Kiến nghị giảm kinh phí Công đoàn từ 2% xuống còn tối đa 1% quỹ lương.

Cho rằng các cấp Công đoàn đã không sử dụng hết số tiền 2% phí Công đoàn thu được, 8 hiệp hội ngành hàng đã cùng ký đơn kiến nghị giảm tỷ lệ trích nộp kinh phí Công đoàn từ 2% xuống còn tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời sử dụng toàn bộ kinh phí Công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động. Kiến nghị này nhằm đóng ý kiến xây dựng dự thảo lần 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 (Luật Công đoàn sửa đổi).

8 hiệp hội ngành hàng ký đơn kiến nghị bao gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI).

Kiến nghị trên được 8 hiệp hội ngành hàng thống nhất đưa ra sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng đã thấy có sự không đồng nhất giữa Luật ngân sách nhà nước và Luật Công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đó các hiệp hội chỉ ra việc doanh nghiệp đang phải đóng thuế 2 lần bởi khi đóng thuế đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho Công đoàn thông qua ngân sách nhà nước, nay còn phải trích nộp thêm kinh phí Công đoàn nghĩa là doanh nghiệp phải đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó các hiệp hội ngành hàng cũng chỉ ra rằng các cấp Công đoàn đã không sử dụng hết số tiền 2% phí Công đoàn thu được và lấy các số liệu từ Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2019 để minh chứng cho nhận định này. Cụ thể Báo cáo kiểm toán năm 2019 cho thấy tổng thu tài chính Công đoàn trong 7 năm (2013-2019) là 100.354 tỷ đồng. Tổng thu trung bình mỗi năm tăng 12%. So với năm 2012, tổng thu tài chính Công đoàn năm 2019 đã tăng 2,3 lần, trong đó kinh phí Công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần. “Những con số này cũng phần nào cho thấy việc tăng trưởng mạnh của quỹ Công đoàn theo mức thu 2% phí Công đoàn, các cấp Công đoàn đã không sử dụng hết số tiền thu được. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19. Thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề xuất tạm hoãn thu kinh phí Công đoàn (doanh nghiệp không được miễn nộp), tuy nhiên các điều kiện rất khắt khe nên các doanh nghiệp và người lao động cũng không tiếp cận được” – kiến nghị của 8 hiệp hội ngành hàng nhấn mạnh

Trước tình hình trên, các hiệp hội kiến nghị Luật Công đoàn sửa đổi cần quy định giảm mức nộp kinh phí Công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ lương vì bên cạnh những lợi ích lao động được hưởng từ kinh phí Công đoàn, ngày nay các doanh nghiệp cũng đã tự nguyện cung cấp nhiều lợi ích hơn cho người lao động. Về phía Chính phủ có quyền quyết định tỉ lệ đóng này theo từng thời kỳ, tùy theo tình hình kinh tế xã hội nhằm đảm bảo quy định có tính chất linh hoạt và phù hợp với tình hình biến động kinh tế, xã hội của Việt Nam, khu vực cũng như trên thế giới.

Ngọc Ánh