Khủng hoảng lithium dự báo kéo dài khiến các doanh nghiệp ngành ô tô như “ngồi trên đống lửa”

Dù không phải kim loại quý hiếm song Lithium đang khiến các nhà sản xuất xe điện phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm nguồn cung; trong khi đó các nhà khai thác đang nỗ lực gia tăng tăng suất. Dẫu vậy một cuộc khủng hoảng lithium toàn diện vẫn đang diễn ra và vẫn chưa có hồi kết….

Ảnh : CafeF

Cầu vượt quá cung đã đẩy giá lithium tăng tới 500% chỉ trong một năm. Khủng hoảng lithium trầm trọng đến mức chính phủ Trung Quốc – quốc gia sản xuất khoảng 80% lượng pin lithium-ion trên thế giới đã phải đứng ra kêu gọi các nhà cung cấp giảm giá bán. Chuyên gia thuộc tổ chức Macquarie Group cảnh báo về một viễn cảnh thâm hụt lithium vĩnh viễn, trong khi đó Citigroup dự báo giá kim loại quý này sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022.

Hậu quả của việc không sản xuất đủ lithium có thể sẽ rất nặng nề. Trong vài năm trở lại đây, đầu tư toàn cầu cho xe điện đã tăng nhanh hơn bất kỳ lĩnh vực năng lượng mới nào, thậm chí vượt xa cả năng lượng gió và mặt trời. Benchmark Mineral Intelligence cho biết hiện giá lithium giao có thể đẩy chi phí một chiếc xe điện tăng thêm 1.000 USD. Cùng với đà tăng giá của loạt nguyên liệu thô khác, nỗ lực giảm giá xe điện để cạnh tranh với xe xăng sau bao năm đang trở thành công cốc. Ngoài ra, việc các nhà sản xuất pin không có đủ lượng lithium cần thiết cũng khiến kế hoạch mở rộng nguồn cung xe điện bị hạn chế, từ đó làm phá sản mục tiêu giảm khí phát thải toàn cầu

Ông Cameron Perks – chuyên gia phân tích tại Benchmark cho biết những nỗ lực cải thiện nguồn cung sẽ khó có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu trong 3 năm tới. Giá lithium tăng cao đến nỗi hồi tháng 4  tỷ phú giàu nhất hành tinh Elon Musk đã phải thẳng thừng tuyên bố trên Twitter: “Giá lithium đã tăng đến mức điên rồ. Tình hình này buộc Tesla phải tham gia trực tiếp vào quá trình khai thác và tinh chế lithium trên quy mô lớn, trừ khi chi phí được cải thiện”.

Cả Tesla, các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc như BYD, Xpeng hay Li Auto đều đã tăng giá bán các sản phẩm xe điện. “Ngành công nghiệp xe hơi đang phải đối mặt với cơn bão giá do chi phí leo thang chóng mặt”, Brian Gu – Chủ tịch hãng xe điện Xpeng chia sẻ.

Trước đó trong giai đoạn 2018-2020, lithium từng gặp khủng hoảng khiến giá bán giảm một nửa. Điều này khiến dòng vốn đầu tư chảy vào lithium không ổn định, hậu quả là khi xe điện trở thành xu thế mới, phía các nhà sản xuất đã không kịp trở tay. Ngoài ra đối với các nhà sản xuất pin, khó khăn còn tăng thêm bội phần do đại dịch Covid – 19 và cuộc chiến Nga – Ukraine, khiến cho nguồn cung các nguyên liệu khác (nickel, than chì, coban) đều gặp khó khăn.

Nguồn cung thắt chặt cùng giá bán tăng nhanh đã thúc đẩy một loạt các thương vụ mua lại và liên doanh giữa nhà sản xuất pin với nhà sản xuất ô tô; đồng thời khởi đầu cho làn sóng chủ nghĩa độc quyền tài nguyên. Hồi đầu tháng 6/2021, Fitch Solutions cho biết lithium đã trở thành một loại “khoáng sản chiến lược”, đồng thời cảnh báo về sự can thiệp ngày càng tăng của các chính phủ.

Nỗ lực tăng nguồn cung

Hiện tại hơn một nửa nguồn cung lithium trên thế giới được khai thác tại “Cánh đồng lithium” hay “Tam giác lithium” – khu vực biên giới giữa 3 quốc gia Argentina, Bolivia và Chile. Tại đây, nơi mỏ lithium Soquimich nằm trên sa mạc Atacama, các nhà sản xuất sẽ chiết rút lithium từ hồ nước muối bằng cách cho chúng tự bay hơi trong vòng 12-28 tháng. Tuy nhiên, công nghệ này hiện chỉ thu được khoảng 50% lượng lithium trong nước muối mà thôi.

Phần lớn nguồn cung còn lại đến từ trầm tích của một loại đá lửa tên spodumene, trong đó Australia là nhà khai thác lớn nhất. Chúng được đem lọc với axit sulfuric, sau đó chuyển đến Trung Quốc để sản xuất thành lithium hydroxit và lithium carbonate – những hợp chất có thể kết hợp với niken hoặc coban để tạo thành pin xe điện.

Theo các chuyên gia, cách nhanh nhất để tăng nguồn cung lithium là tăng cường sản lượng từ các nguồn hiện hữu. Ganfeng Lithium – một trong những nhà sản xuất Lithium lớn nhất thế giới cho biết sẽ sử dụng lợi nhuận kỷ lục để tăng sản lượng. Còn Pilbara Minerals của Úc thì đặt mục tiêu nâng công suất sản xuất thêm 50% vào quý III/2022 bằng cách mở rộng mỏ Pilgangoora ở Tây Úc. Đây là dự án có sự tham gia của các đối tác Trung Quốc gồm Great Wall Motor và CATL.

Đối với các nhà sản xuất nước muối-lithium, việc tăng sản lượng gặp hạn chế bởi giấy phép và thời gian để chất lỏng bay hơi.

Các siêu cường khai thác mỏ như Australia, Canada đều hứa hẹn sẽ nỗ lực thúc đẩy phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản, bao gồm lithium. Trung Quốc gần đây cũng phát đi thông báo các nhà địa chất của họ đã phát hiện ra một mỏ spodumene trên cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng ở khu vực đỉnh Everest có thể chứa hơn 1 triệu tấn oxit lithium. Tuy nhiên để phát triển một mỏ mới cần rất nhiều thời gian; thậm chí ở một số quốc gia, quá trình này còn gặp sự phản kháng của cộng đồng địa phương.

Joe Lowry – người sáng lập công ty tư vấn Global Lithium cho biết có rất nhiều lithium trong lòng đất nhưng yêu cầu đặt ra là phả đầu tư khai thác kịp thời. Để xây dựng một nhà máy gigafactory, Tesla chỉ mất khoảng 2 năm nhưng để xây dựng một dự án nước muối lithium thì có thể phải mất tới 10 năm.

Thậm chí đề xuất khai thác mỏ Jadar trên vùng đất nông nghiệp ở phía tây Serbia với trị giá 2,4 tỷ USD của Tập đoàn Rio Tinto đã bị đình trệ khi hàng nghìn người dân trần xuống phố biểu tình. Tương tự dự án Barroso của Savannah Resources ở Bồ Đào Nha; dự án của Americas Corp ở Nevada và một số dự án khác đều đang gặp rắc rối với cộng đồng địa phương.

Ngoài ra các nhà sản xuất lithium còn phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn. Một phần lý do khiến người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho một chiếc xe điện là vì nó thân thiện với môi trường. Tuy nhiên chuỗi cung ứng lithium còn lâu mới đạt được mức độ thân thiện với môi trường như vậy. Dominic Wells – nhà phân tích chi phí phát triển bền vững tại Wood Mackenzie cho biết việc khai thác spodumene tiêu tốn nhiều năng lượng. Việc vận chuyển chất cô đặc đến Trung Quốc để tinh chế có thể thải ra lượng carbon dioxide cao gấp 3,5 lần so với lithium chiết xuất từ nước muối.

Hiện nay các nhà sản xuất ô tô đang nỗ lực bảo vệ hình ảnh “xanh” cho các mẫu xe điện của họ thông qua đầu tư các công nghệ mới để cắt giảm chi phí, cắt giảm việc sử dụng nước và xanh hoá các hoạt động khai thác. Ken Hoffman – Chuyên gia cao cấp của McKinsey &Co cho biết một trong những mục tiêu hàng đầu trong sản xuất lithium là tiết kiệm điện và nước. Bất kỳ doanh nghiệp nào có thể cung cấp công nghệ này đều sẽ tạo ra lợi nhuận cao. Đó là lý do ngành này đang thu hút nhiều công ty khởi nghiệp (startup) tham gia. “Dự vào đến cuối năm 2023, công nghệ này sẽ được đưa vào vận hành, giúp tăng gấp đôi lượng lithium nhận về thay vì con số 40% như hiện nay” – Ken Hoffman cho hay

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng quá trình sản xuất lithium bằng hình thức hoá học trên lại khá tốn kém và không được bền vững. Hơn nữa, ngay cả khi nghiên cứu thành công, các nhà cung cấp vẫn cần rất nhiều thời gian để bắt kịp nhu cầu.

Hệ luỵ ảnh hưởng đến môi trường đã thúc đẩy các công ty khai thác tìm một giải pháp thay thế cho pin lithium-ion song cho đến nay vẫn chưa nhà sản xuất nào làm được. Ngoài ra việc tái chế pin cũ cũng có thể tạo ra lithium và đáp ứng khoảng 16% nhu cầu thị trường vào năm 2035. Tuy nhiên số lượng pin cũ này sẽ chỉ tăng lên từ sau năm 2030. “Về cơ bản, hiện nay chúng ta không có đủ pin tái chế. Chưa kể việc tái chế cũng gây ra những tác động nhất định đến môi trường” – chuyên gia Ken Hoffman nhấn mạnh.

Trong khi đó, rào cản với vấn đề tăng sản lượng nằm ở chỗ không phải ai cũng tin rằng thị trường vẫn sẽ “khát” lithium trong thời gian dài. Các nhà khai thác không muốn chịu cảnh dư thừa nguồn cung khiến giá lao dốc một lần nữa giống năm 2018. Kết quả là cuộc khủng hoảng lithium được dự báo sẽ còn kéo dài khiến các doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô càng thêm thấp thỏm.

Việt Quang