Khoa học&công nghệ – Yếu tố đòn bẩy trong sản xuất nông nghiệp
Đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những năm gần đây nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học&công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Không chỉ công nghệ sinh học mà cơ giới hóa cũng được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao trình độ sản xuất, tăng năng suất – chất lượng nông sản và giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Lào Cai
Hiệu quả vượt trên mong đợi
Hiện nay nông nghiệp công nghệ cao được phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế hết sức quan trọng. Điển hình như tại Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 1.230 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 282 ha rau, trên 105 ha hoa, 176 ha dược liệu, 124 ha cây ăn quả ôn đới, 60 ha sản xuất lúa giống và 483 ha chè. Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân 230 triệu đồng/ha. Ông Đỗ Văn Duy – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết nhờ địa phương áp dụng khoa học&kỹ thuật cao vào chăn nuôi, trồng trọt nên thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên, hiện đạt 17 triệu đồng/người/năm – tăng 4 triệu đồng so với năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 – 6%/năm.
Trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học&công nghệ, nhất là công nghệ cao được xem là một trong những yếu tố cốt lõi giúp nâng cao năng suất, chất lượng sức cạnh tranh của nông sản. Theo thống kê, khoa học&công nghệ đã đóng góp lên tới hơn 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi
Ngoài ra nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao cũng là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó cũng chính là lý do thời gian qua nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trong cả nước mạnh dạn đẩy mạnh cơ giới hóa cũng như đầu tư đưa các ứng dụng khoa học&công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để thu được giá trị kinh tế cao; bức tranh phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước theo đó lại có thêm nhiều sắc màu mới. Bên cạnh những thương hiệu đã quá quen thuộc như Vineco, TH, Vinamilk, thị trường xuất hiện nhiều tên tuổi mới như Công ty Cacao Intercontinental Coporation (CIC) với hơn 1.000 ha trồng ca-cao ứng dụng toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel vào vùng đất cằn cỗi ở huyện Ea súp (Ðắk Lắk); Công ty Sữa Nutifood đầu tư vào lĩnh vực cà phê; Pan Group đầu tư hoa tươi công nghệ cao xuất khẩu đi Nhật Bản….
Tính đến tháng 6/2018, cả nước đã có 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch, trong đó Thủ tướng thành lập 3 khu tại Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Riêng đối với việc thành lập các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay căn cứ các tiêu chí quy định tại Quyết định 66/2015/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thâm canh tôm, hoa, lúa được 4 địa phương công nhận ở: Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, An Giang. Ngoài ra, theo quy hoạch tại Quyết định 575/2015/QĐ-TTg (22 khu), 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được khẩn trương thực hiện; trong đó 3 khu ở Bình Dương, Tp.HCM, Khánh Hòa đã đi vào hoạt động với một số mô hình khá hiệu quả.
Với những chính sách ưu đãi đặc thù, đến nay cả nước đã có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực gồm: 12 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt; 19 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản; 9 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi theo Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sẵn sàng “tiếp sức”
Hiện nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu với vị thế đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới; nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cả nước đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/ năm trở lên; 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê, đồ gỗ) đạt kim ngạch 3 tỷ USD/năm.
Để đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp, vấn đề khuyến khích đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được Chính phủ đặc biệt quan tâm thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Đơn cử Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Mới đây ngày 17/4/2018 , Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết. Ngân sách cũng sẽ hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.
Ngoài ra với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn có sức cạnh tranh cao, Bộ Khoa học&Công nghệ đã và đang đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ tại các vùng, địa phương và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ.
Theo : Nguyễn Cường