Công nghệ tài chính Việt hút nhà đầu tư ngoại

Sau Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, các đại gia tài chính hàng đầu thế giới lại tiếp tục dòm ngó thị trường công nghệ tài chính (Fintech) Việt Nam…. Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có rất nhiều tiềm năng để Fintech phát triển.

Công nghệ của thời đại 4.0

Fintech dùng để miêu tả một xu hướng mới nổi trong ngành tài chính – ngân hàng. Nói đơn giản hơn, Fintech là một ngành công nghiệp mới ứng dụng khoa học – công nghệ để cải thiện hoạt động tài chính – ngân hàng, điển hình như việc sử dụng điện thoại thông minh cho dịch vụ ngân hàng di động, dịch vụ đầu tư tài chính.

Nhu cầu sử dụng các dịch vụ cung ứng của các công ty Fintech là các ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính truyền thống, người tiêu dùng và các doanh nghiêp thông thường. Các công ty Fintech hiện đang cung cấp các dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ ngân hàng, thanh toán, quản lý tài chính, các loại tiền kỹ thuật số… với các sản phẩm đa dạng như: ví điện tử, công nghệ sổ cái phân tán trên nền tảng blockchain, thương mại trực tuyến B2C, mPOS…Riêng trong lĩnh vực tài chính, các doanh nghiệp Fintech từng được cho là đối thủ cạnh tranh với các ngân hàng bởi họ có thể phát triển tốt các dịch vụ ngân hàng từ hoạt động tín dụng, huy động vốn cho đến thanh toán, quản lý đầu tư…Tuy nhiên hiện nay các tổ chức tài chính truyền thống đang thực hiện phát triển các sản phẩm công nghệ tài chính thông qua việc tăng cường hợp tác với các công ty Fintech. Một khảo sát toàn cầu của PwC công bố năm 2017 cho thấy 82% các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống có ý định hợp tác với các công ty Fintech trong 3 – 5 năm tới; 77% mong muốn sử dụng blockchain như là một phần của hệ thống hoạt động trong năm 2020 và các tổ chức tài chính truyền thống kỳ vọng nhận được lợi tức đầu tư trung bình là 20% cho các dự án liên quan đến Fintech

Tại Việt Nam, dù Fintech là lĩnh vực còn khá mới mẻ nhưng nhiều ngân hàng đã chớp thời cơ sử dụng từ Fintech và bắt đầu gặt hái nhiều thành quả đáng khích lệ trên thị trường như OCB, TPBank…Một số khác bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước lại đang đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn toàn cầu để hiện đại hoá công nghệ và phát triển các dịch vụ tài chính nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cũng như củng cố vị thế trên thị trường. Đến nay, Việt Nam có 48 công ty Fintech và 48% công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số (2C2P, VTPay, OnePay, VTCPay, BankPlus,VinaPay, VNPay, Senpay, NganLuong, ZingPay, BaoKim, 123Pay…).

Triển vọng  rộng mở

Nắm bắt được nhu cầu cũng như muốn đầu tư mạnh vào mảnh đất còn mới ở Việt Nam, các tập đoàn tài chính lớn trên toàn cầu cũng đang nhắm tới thị trường này.

Cụ thể trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái, tỷ phú Jack Ma- người sáng lập kênh thương mại điện tử Alibaba trong buổi làm việc với ông Lê Minh Hưng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo rằng Tập đoàn này đang triển khai chiến lược hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment như: cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất; khai thác thêm mảng bán lẻ trực tuyến phục vụ khách hàng cá nhân; hợp tác trong thanh toán điện tử, ứng dụng QR code; hợp tác trực tiếp, gián tiếp với một số công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment…

Đồng thời Alipay – nền tảng thanh toán trực tuyến của tập đoàn tư nhân hàng đầu Trung Quốc này cũng ký thỏa thuận chiến lược với Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Đây là đơn vị trung gian duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam, thực hiện vai trò là cổng kết nối với các tổ chức thanh toán quốc tế và mạng thanh toán châu Á. Thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với NAPAS, Alipay sẽ mở rộng hoạt động trên thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam.

Sau Alibaba đến lượt Tập đoàn Lotte Hàn Quốc nhắm tới thị trường Fintech Việt Nam khi chiều ngày 6/9 vừa qua tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty tài chính Lotte Card (thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc) Kim Chang Kwon cho biết doanh nghiệp này sẽ tập trung phát triển tài chính tiêu dùng không sử dụng tiền mặt, ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech, findata) tại Việt Nam.

Cũng trong chiều ngày 6/9, tại cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward đã trao đổi với Thống đốc về khả năng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech), lĩnh vực Tài chính xanh (Green Credit) cũng như định hướng hỗ trợ của Vương quốc Anh trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng trong giai đoạn hiện nay…

Theo : Nguyễn Cường