Khảo sát toàn cầu: Nỗi lo sợ về sức khỏe trong đại dịch COVID-19 lớn hơn mối lo ngại cho nền kinh tế

Một cuộc khảo sát toàn cầu cho thấy, phần lớn người dân trên khắp thế giới muốn chính phủ của họ ưu tiên cứu mạng người hơn là các động thái nhằm khởi động lại các nền kinh tế đang bị lao đao bởi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của chủng virus Corona mới.

Những phát hiện mới nhất của ‘Edelman Trust Barometer’, công ty đã tiến hành thăm dò hàng chục ngàn người về niềm tin của họ vào các tổ chức cốt lõi trong 2 thập kỷ qua, cho thấy kết quả hoàn toàn trái ngược với những gì được cho là sự mệt mỏi khi bị phong tỏa trong dân số bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Nhìn chung, 67% trong số hơn 13.200 người được phỏng vấn trong khoảng thời gian từ 15 tháng 4 đến 23 tháng 4 đã đồng ý với tuyên bố: Ưu tiên hàng đầu của chính phủ là cứu càng nhiều người càng tốt ngay cả khi điều đó có nghĩa là nền kinh tế sẽ phục hồi chậm hơn.

Chỉ 1/3 ủng hộ khẳng định: Điều trở nên quan trọng hơn cho Chính phủ là cứu công ăn việc làm và khởi động lại nền kinh tế hơn là thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn cho mọi người.

Nghiên cứu, được thực hiện bởi công ty truyền thông Hoa Kỳ Edelman, dựa trên nghiên cứu thực địa ở Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Ả Rập Saudi, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Khoảng 76% số người Nhật Bản tham gia nghiên cứu đồng ý rằng sức khỏe cộng đồng nên được ưu tiên hơn nền kinh tế so với chỉ 56% ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm ngoái. Trung Quốc hiện chỉ có một số ít trường hợp mới mỗi ngày, sau khi áp dụng lệnh phong tỏa chặt chẽ trước đó.

Tại Canada, Vương quốc Anh và Pháp, 70% trở lên số người được hỏi ủng hộ giành ưu tiên cho các mối quan tâm về sức khỏe. Tại Hoa Kỳ, nơi các cuộc biểu tình chống phong tỏa cách ly trong một số trường hợp được Tổng thống Donald Trump khuyến khích, con số này là 66%.

Richard Edelman, CEO của Edelman nói: “Nó khá phức tạp vì bạn có hai cuộc khủng hoảng đồng thời – khủng hoảng sức khỏe và khủng hoảng kinh tế. Nhưng mọi người đang hỏi, “Chúng tôi đã có sáu đến bảy tuần hạn chế hoạt động, liệu còn một hoặc hai tuần nào nữa?”

Các chính phủ trên khắp thế giới đã thay đổi rộng rãi để đối phó với đại dịch kể từ khi dịch bệnh đầu tiên bùng nổ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào đầu tháng 12.

Các nhà chức trách ở New Zealand và Việt Nam đã được khen ngợi vì những động thái sớm nhằm ngăn chặn sự lây lan bằng các biện pháp giãn cách xã hội trong khi các chính phủ ở Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Nga và các nơi khác đã phải đối mặt với sự chỉ trích vì sự thiếu chuẩn bị.

Tuy nhiên, khảo sát của Edelman cho thấy niềm tin vào tổ chức chính phủ đã tăng lên, với mức tăng tổng cộng 11 điểm từ khảo sát tháng 1 lên mức cao nhất mọi thời đại là 65%.

Con số đó phản ánh sự đánh giá cao sự hỗ trợ của nhà nước đối với nền kinh tế và công việc của các dịch vụ y tế công cộng. Ngược lại, chỉ có 29% đồng ý rằng các CEO và lãnh đạo doanh nghiệp đang làm một công việc xuất sắc để đáp ứng nhu cầu của thời điểm này.

Edelman nói: “Công viêc kinh doanh sẽ được xem xét rất kỹ trong những tháng tới,” trích dẫn cách các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như giữ chân và làm lại công nhân hoặc sử dụng các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cung ứng của họ.

Xuân An (Theo Reuters)