Khai thác những lợi thế mới hậu dịch bệnh Covid-19
Đã hơn hai tháng qua, Việt Nam chưa ghi nhận thêm trường hợp nhiễm Covid-19 nào mới trong cộng đồng. Do đó, Việt Nam đã sớm chuyển sang giai đoạn phục hồi kinh tế, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Cao Thị Phi Vân – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho hay, những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ đã và đang tạo thêm động lực thúc đẩy DN hồi phục. Đặc biệt, khi EVFTA chính thức được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực thi hành vào đầu tháng 8/2020, được cho là động lực mới, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hậu dịch Covid-19.
Để vận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA…bà Vân cho rằng, đây là các FTA có mức cam kết rất cao. Gần 100% dòng thuế sẽ được các bên cam kết xóa bỏ, tạo hành lang thuận lợi cho hàng hóa lưu thông tự do giữa các đối tác tham gia hiệp định, độ mở của nền kinh tế rất cao. Tuy nhiên, thách thức đối với DN gặp phải là sự cạnh tranh về thị trường cả ở trong và ngoài nước, thu hút FDI…Để hỗ trợ nhanh, hiệu quả cho DN, ITPC sẽ đẩy mạnh thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường; cập nhật thường xuyên các yêu cầu của thị trường EU…để tận dụng hiệu quả nhất các ưu đãi thuế quan, phòng tránh rủi ro, cung cấp kịp thời nhất cho DN.
Trong bối cảnh bình thường mới, để khai thác lợi thế của FTA cũng như vượt qua những thách thức do dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp phải thay đổi hình thức kinh doanh sang trực tuyến. Ông Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay: Kinh doanh trực tuyến không chỉ giúp DN tồn tại trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mà đây còn là xu hướng tương lai của ngành bán lẻ. Nền kinh tế thế giới đang chuyển mình hướng đến nền công nghiệp 4.0, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán mobile…ngày càng phổ biến, DN không thể bỏ qua.
Theo bà Trần Bảo Ngọc – Giám đốc Công ty M.i.i.n Eyelash, khi thử nghiệm bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, chỉ sau một thời gian ngắn, đã nhanh chóng trở thành kênh tiêu thụ chính các sản phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ của công ty ra thị trường quốc tế. “Ảnh hưởng dịch bệnh, các đơn hàng tuy có giảm nhưng không nhiều. Từ 20 công nhân ban đầu, đến nay, tổng số lao động đã lên 100 người và công ty đang chuẩn bị xây thêm xưởng tại Bình Dương để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu” – bà Ngọc phấn khởi cho biết.
Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp Hội DN TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cùng sự chủ động của mỗi DN, các bộ, ngành, địa phương cần sớm triển khai một chiến dịch vận động xúc tiến thương mại đầu tư mang tầm chiến lược quốc gia để tăng cường hoạt động tiếp xúc, kết nối các tập đoàn, nhà đầu tư lớn…
Thảo Ngọc