Hướng đến một nền kinh tế tích hợp kỹ thuật số cho khu vực ASEAN
“ASEAN số vì sự phát triển bền vững” được lựa chọn là chủ đề cho năm 2020 của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), sau khi Việt Nam được chuyển giao vai trò Chủ tịch từ đại diện Thái Lan. Tuy nhiên theo nhận định của TS. Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch ASEAN BAC, để tạo ra một nền kinh tế tích hợp kỹ thuật số cho khu vực ASEAN cần phải vượt qua rất nhiều rào cản.
Cụ thể TS. Đoàn Duy Khương cho biết rào cản đầu tiên là các quốc gia thành viên ASEAN không có khả năng tiếp cận đến các công cụ kỹ thuật số, đa phần là do chi phí cao. Bị hạn chế tiếp cận với những băng thông rộng chất lượng cao và tốc độ cao là một bất lợi lớn, đặc biệt với những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Hơn nữa, nhiều MSME vẫn còn hiểu biết hạn hẹp về công nghệ kỹ thuật số và lực lượng lao động có lỗ hổng lớn về các kỹ năng kỹ thuật số. Ngoài ra, các MSME khó tham gia vào thương mại xuyên biên giới do sự yêu cầu phức tạp của quy trình thương mại và những yêu cầu về cơ sở hạ tầng. MSME cần có sự hỗ trợ áp dụng những xu hướng công nghệ thanh toán xuyên biên giới để có thể bán ra nước ngoài thông qua các kênh bán hàng trực tuyến.
MSME cần chuyển hướng để thích ứng với những quy trình kỹ thuật số phức tạp để đổi mới phương thức kinh doanh sao cho phù hợp. Để giải quyết những vấn đề này, các quốc gia thành viên phải thiết lập một cơ cấu toàn khối ASEAN để thúc đẩy và hội nhập với nền kinh tế kỹ thuật số. Trọng tâm chủ yếu là cải thiện kết nối kỹ thuật số để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và giao thương, xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh và nền kỹ thuật số hiện đại, cải thiện nâng cao tay nghề kỹ thuật số của lực lượng lao động.
Tạo lập một nền kinh tế tích hợp kỹ thuật số cho khu vực ASEAN không thể không kể đến rào cản hội nhập, nhất là khi xu hướng bảo hộ mậu dịch vẫn còn phổ biến ở các quốc gia muốn phát triển các ngành công nghiệp trong nước và cảm thấy chính mình thiếu hụt các nguồn lực để đủ sức cạnh tranh. Chính điều này đòi hỏi các thành viên tiên tiến hơn trong khối ASEAN nên hành động với vai trò dẫn dắt để giúp đỡ các nước kém tiến bộ hơn trong khi những nước còn lại cũng phải xây dựng năng lực cốt lõi của mình.
Đánh giá vai trò, tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong thúc đẩy phát triển thương mại và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam nói riêng – khu vực ASEAN nói chung, TS. Đoàn Duy Khương cho biết Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới. Các quốc gia thành viên sẽ được hưởng thị trường rộng mở cho giao dịch hàng hóa, dịch vụ, cơ hội đầu tư, thương mại thuận lợi và đơn giản hóa các thủ tục Hải quan. RCEP sẽ là một cột mốc quan trọng đối với Việt Nam trong hành trình hội nhập toàn cầu.
Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định RCEP sẽ mang đến những cơ hội lớn chưa từng có cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm được thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm và dịch vụ của họ nếu như các doanh nghiệp có chiến lược cạnh tranh và hợp tác tốt. Ngoài ra Hiệp định cũng sẽ thúc đẩy chuỗi giá trị của khu vực và đóng góp vào sự phát triển của tất cả các nền kinh tế thành viên.
Là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ phải gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy kết thúc đàm phán những nội dung còn lại trong Hiệp định RCEP. Để hoàn thành nhiệm vụ lớn này, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán RCEP và nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý những nội dung đã thống nhất để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Thiết lập một nền kinh tế ASEAN kỹ thuật số thành công sẽ là vấn đề cốt lõi để Việt Nam và ASEAN trở thành 1 trung tâm hợp tác kinh tế khu vực và thế giới.