Hợp tác thương Bangladesh – Ấn Độ: Rào cản lớn từ hạ tầng logistics

Đây là nhận định của ông Vikram Kumar Doraiswami – Cao ủy Ấn Độ tại Bangladesh. Theo vị này, chính những hạn chế về hạ tầng logistics cùng vấn đề tắc nghẽn trong khâu vận chuyển khiến hợp tác thương mại giữa Bangladesh và Ấn Độ vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng dồi dào sẵn có.

 Cụ thể ông Doraiswami cho biết thời gian qua cả hai quốc gia đều rất nỗ lực trong việc đẩy mạnh hợp tác thương mại song phương thông qua biên giới Benapole – Petrapole song chi phí thương mại vẫn ở mức cao do nút thắt logistics. Yêu cầu đặt ra là Bangladesh và Ấn Độ cần phải nhìn mối quan hệ thương mại theo hướng có lợi và để làm được điều này, cả hai nước phải xem xét đâu là vấn đề quan trọng, phải dành ưu tiên hàng đầu.

Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2018 – 2019, xuất khẩu của Ấn Độ sang Bangladesh đạt 9,21 tỷ USD trong khi nhập khẩu lên tới 1,04 tỷ USD. Theo các chuyên gia, nếu hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng logistics được cải thiện; các doanh nghiệp chú trọng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm thì kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh sang Ấn Độ sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Mục tiêu của Ấn Độ là mở thêm nhiều trạm kiểm soát biên giới hoạt động tốt và sẵn sàng giúp đỡ về vấn đề này thông qua các dự án tài trợ. Trong bối cảnh logistics tắc nghẽn, Cao ủy Ấn Độ tại Bangladesh cũng đề xuất tăng cường sử dụng giao thông đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa để tiết kiệm chi phí.

Còn nhớ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ buộc cả hai quốc gia phải đóng cửa biên giới nối liền nhau. Đường bộ “đóng băng”, nhiều hoạt động thương mại phải triển khai qua đường sắt và thời điểm đó kim ngạch thương mại song phương đã tăng vọt tới 130%.

Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, hoạt động giao thương bật tăng trở lại. Vấn đề cấp thiết lúc này là hai nước nên dành ưu tiên cải thiện hệ thống hạ tầng các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy. Chính phủ Bangladesh cũng như Ấn Độ sẵn sàng tài trợ cho các dự án để phát triển kho chứa container nội địa và cơ sở hạ tầng liên quan khác, từ đó vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương vừa tiết kiệm chi phí. “Bangladesh có tiềm năng tốt để xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, đồ da và một số sản phẩm khác sang Ấn Độ. Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, trước tiên cần cải thiện hệ thống thanh toán theo hướng tinh gọn, đơn giản hóa; cùng với đó là thiết lập một tiêu chuẩn chung về chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu”- ông Doraiswami nhấn mạnh.

Trước đó vào cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm Bangladesh 2 ngày nhân dịp hai nước láng giềng Nam Á này Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 50 năm ngày Độc lập của Bangladesh và 100 năm ngày sinh Tổng thống đầu tiên của Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman – thân sinh của Thủ tướng đương nhiệm Sheikh Hasina. Nhân dịp này, Ấn Độ và Bangladesh cũng đã ký kết 5 biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, thương mại, công nghệ thông tin và thể thao. Thủ tướng Ấn Độ và Bangladesh cũng đã tuyên bố khánh thành trực tuyến một số dự án hạ tầng chung giữa hai nước như: khai trương ba tuyến đường mới trên biên giới Ấn Độ-Bangladesh; ra mắt tuyến đường sắt nối thủ đô Dhaka (Bangladesh) và Tp.New Jalpaiguri (Ấn Độ).  

Ngọc Huy