Hồng Kông – Thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới
Trong số các thành phố lớn trên thế giới, Hong Kong là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất; đồng thời cũng là thành phố có rủi ro bong bóng bất động sản lớn nhất. Từ năm 2012 đến nay, giá nhà tại vùng lãnh thổ này đã bị đẩy lên đỉnh điểm (trung bình tăng 10%/năm).
Báo cáo Chỉ số Bong bóng bất động sản toàn cầu (Global Real Estate Bubble Index) của Tập đoàn UBS đã điểm danh 20 thành phố lớn có mức độ rủi ro bong bóng bất động sản cao nhất thế giới với sự góp mặt của Hồng Kông, Munich, Toronto, Vancouver, London và Amsterdam.
Báo cáo của UBS cũng cho thấy trong 5 năm qua, giá bất động sản tại các thành phố lớn trên thế giới đã tăng bình quân 35%, gây nên một cuộc khủng hoảng khả năng chi trả. Phần lớn các hộ gia đình không còn đủ khả năng mua nhà tại các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới mà không cần một khoản thừa kế lớn. Tuy nhiên thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, các rủi ro dần giảm thiểu do hoạt động vay mua nhà đã chững lại “Mặc dù vậy chúng ta không nên so sánh tình hình hiện nay với thời điểm khủng hoảng kinh tế. Giá nhà ở tại nhiều thành phố lớn trên thế giới hiện đang bị đẩy lên quá cao khiến nhiều thể chế tài chính đứng trước rủi ro bong bóng bất động sản”, Giám đốc đầu tư của Tập đoàn UBS – ông Mark Haefele cho biết.
Trong Báo cáo của Tập đoàn UBS, Hồng Kông được xác định là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới với căn hộ 60 m2 (1 phòng ngủ) có giá bình quân 1,48 triệu USD; đồng thời đây cũng là thành phố có rủi ro bong bóng bất động sản cao nhất. Từ năm 2012 đến nay, giá nhà tại vùng lãnh thổ này đã bị đẩy lên đỉnh điểm (trung bình tăng 10%/năm). Hồng Kông cũng đứng đầu danh sách về số năm mà người lao động cần phải làm việc để có thể mua được một căn hộ 60 m2 gần trung tâm thành phố. Các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản được Chính phủ Hồng Kông triển khai đều không có nhiều tác dụng. Vì vậy Hồng Kông đang cân nhắc biện pháp thắt chặt hơn nữa quy định mua nhà đối với người dân ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác
Cùng với Hồng Kông, UBS cũng đưa ra cảnh báo về bong bóng bất động sản đối với cả 2 thành phố lớn của Canada là Toronto và Vancouver. Nếu như tại Vancouver, chính sách đánh thuế đối với người nước ngoài mua nhà của Chính phủ Canada chưa phát huy được tác dụng kiềm chế giá nhà thì ngược lại ở Toronto, chính sách này lại được thực thi rất hiệu quả.
Riêng với các thành phố của Mỹ như Chicago, Los Angeles, New York…, báo cáo của UBS cho thấy so với mức đỉnh điểm năm 2006, hiện rủi ro bong bóng bất động sản tại các thành phố này đã xuống thấp hơn.
Nguyễn Cường