Hơn 16 tỷ USD vốn đầu tư, Sân bay Long Thành bị chê đắt đỏ hơn các cảng hàng không lớn trên thế giới

Xoay quanh dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Chính phủ vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Quốc hội. Trong đó con số khoảng 336.600 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD) tổng mức đầu tư cho toàn bộ 3 giai đoạn của dự án này được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.

Theo đó một số đại biểu cho rằng 16,03 tỷ USD vốn đầu tư Sân bay Long Thành là con số khá cao; đồng thời làm phép so sánh mức vốn đầu tư của dự án này với mức đầu tư 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành 2019 là Sân bay Đại Hưng tại Tp.Bắc Kinh – Trung Quốc và Sân bay Istanbul -Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù công suất tương đương song lại có sự chênh lệch không hề nhỏ giữa con số 16,03 tỷ USD vốn đầu tư của sân bay Long Thành với 11,7 tỷ USD vốn đầu tư sân bay Đại Hưng và 12 tỷ USD vốn đầu tư sân bay Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ.

Giải trình vấn đề này, Chính phủ cho biết theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm; tức khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách.

So sánh quốc tế cho thấy với suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách của Long Thành là tương đương với suất đầu tư các cảng hàng không lớn trên thế giới. Đơn cử: Cảng hàng không quốc tế Đại Hưng – Trung Quốc (xây dựng năm 2014 vận hành khai thác từ tháng 9/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD (tại thời điểm hoàn thành), công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách; Cảng hàng không quốc tế Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ (xây dựng năm 2015 vận hành khai thác năm 2018) có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 13,33 tỷ USD/100 triệu hành khách (tính tại thời điểm 2015, do đó tính trượt giá đến thời điểm hiện nay là khoảng 14,59 tỷ USD/100 triệu hành khách).

Riêng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 là 111.689 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,779 tỷ USD), nhỏ hơn mức được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 là 4,872 tỷ USD. So sánh quốc tế cho thấy với suất đầu tư 4,779 tỷ USD/25 triệu hành khách của cảng Long Thành giai đoạn 1 là tương đương với suất đầu tư của các cảng hàng không lớn trên thế giới như: cảng Frankfurt – Đức giai đoạn 3 (khởi công tháng 4/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD cho công suất 21 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,3 tỷ USD/25 triệu hành khách; cảng Incheon- Hàn Quốc giai đoạn 3 (vận hành khai thác từ tháng 1/2018) có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD cho công suất 18 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,9 tỷ USD/25 triệu hành khách.

Tuy nhiên Chính phủ cũng nói rõ sự so sánh này chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Do cảng hàng không là một công trình phức hợp nên sự khác biệt về mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, phạm vi công việc thực hiện, thời điểm đầu tư, công nghệ áp dụng, các chính sách thuế, phí, dự phòng ở các quốc gia khác nhau nên tổng mức đầu tư sẽ khác nhau.

Báo cáo trước Quốc hội về vốn đầu tư sân bay Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông&Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ sẽ rà soát để bảo đảm tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế, không gây lãng phí, trượt giá như các dự án khác. “Mức đầu tư như trong báo cáo nghiên cứu khả thi do 3 đơn vị tư vấn của Nhật Bản, một đơn vị của Hàn Quốc, một đơn vị của Pháp và 3 đơn vị của Việt Nam đưa ra. Hiện Hội đồng nghiệm thu nhà nước đang thuê một tư vấn độc lập nước ngoài để thẩm tra độc lập về mức đầu tư này” – ông Thể cho hay.

Ngọc Hạnh