Hỗ trợ nền sản xuất công nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi thực thi các FTA

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ban ngành, địa phương trong cả nước đã ban hành nhiều chính sách cũng như triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức và tận dụng hiệu quả các cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Theo ông Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, với các FTA, cánh cửa xuất ngoại của doanh nghiệp Việt Nam nói chung –  doanh nghiệp Đồng Nai nói riêng rộng mở hơn bao giờ hết. Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt và tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm công, nông nghiệp trên địa bàn trong quá trình hội nhập. Song song đó địa phương này còn chủ động chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức; đồng thời tăng cường thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp.

Là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, Tp.HCM hiện có gần 20.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên đa phần doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên quy mô sản xuất lẫn năng lực cạnh tranh còn rất hạn chế. Nhằm đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA, Thành phố thực hiện chính sách đổi mới máy móc, trang thiết bị; tăng cường liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực hình thành chuỗi sản xuất – chuỗi giá trị, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Sắp tới đây, Thành phố cũng sẽ thông qua Đề án “Phát triển xuất khẩu Tp.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số…); đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, tận dụng cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu vào những thị trường nước ta đã ký kết FTA; nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu, chuyên môn hóa theo lợi thế so sánh của thành phố, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền tảng cạnh tranh; phát triển ngành logistics, quy hoạch lại hệ thống cảng biển, cảng sông và cơ sở hạ tầng; tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất để Tp.HCM trở thành trung tâm logistics và dịch vụ xuất khẩu vùng.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM Phạm Ngọc Hưng, để khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA, đặc biệt là hưởng các ưu đãi về thuế quan đòi hỏi doanh nghiệp phải chú trọng đáp ứng các yêu cầu, quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu. Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ ngành hàng của mình để có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn nguyên vật liệu, nhà xưởng, quy trình sản xuất cũng như các yếu tố liên quan đến môi trường, lao động… nhằm đáp ứng hiệu quả các yêu cầu của từng FTA.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Chương – Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhằm đáp ứng quy định về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khi xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam đã ký FTA, thời gian qua các doanh nghiệp Đồng Nai có xu hướng tìm kiếm các nguồn nguyên liệu trong nước. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần đưa Đồng Nai từ tỉnh nhập siêu trở thành tỉnh xuất siêu với kim ngạch xuất siêu tăng đều qua từng năm. Riêng trong 8 tháng năm 2020, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm gần 7% do tác động của dịch Covid-19 song xuất siêu vẫn tăng gần 400 triệu USD.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, về phía Bộ Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan tìm kiếm nguồn nhập khẩu nguyên, phụ liệu mới; đồng thời tích cực tìm kiếm nguồn nguyên, phụ liệu trong nước tiến tới thay thế nguồn nhập khẩu. “Cùng với các chính sách hỗ trợ đòi hỏi các địa phương cũng như cơ quan chức năng cần chú trọng cải cách quy trình, thủ tục nhằm giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đồng thời tiếp tục kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất phục vụ hoạt động xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi dịch Covid – 19 lắng xuống, hoạt động thương mại quốc tế được phục hồi” – ông Phạm Ngọc Hưng khuyến nghị.