Hình sự hóa các quan hệ đặc biệt bất động sản sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư và nền kinh tế

Đó là khẳng định của PGS, TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam tại Toạ đàm “Kiểm soát nguồn vốn cho bất động sản – Chính sách và tác động”. Đây cũng là ý kiến chung của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, diễn giả và doanh nghiệp tham dự Tọa đàm khi cho rằng động thái siết chặt nguồn vốn dành cho bất động sản của các tổ chức tín dụng là vô cùng nguy hiểm

Toạ đàm “Kiểm soát nguồn vốn cho BĐS – Chính sách và tác động” nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc các tổ chức tín dụng đang siết chặt nguồn vốn dành cho BĐS.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dẫn nghiên cứu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết trên thực tế ngành bất động sản đóng góp tới 14% GDP chứ không phải 8 – 9%. Con số ấn tượng này cũng đồng thời cho thấy vai trò, tầm quan trọng của ngành bất động sản, dòng vốn đổ vào thị trường này vô cùng lớn; điều này cũng đồng nghĩa với ngành bất động sản có tác động rất lớn đến thị trường tài chính – tiền tệ.

Tuy nhiên để triển khai một dự án, thường các chủ đầu tư phải “ứng trước” 50% vốn cho các thủ tục đầu tư, đóng thuế, đền bù giải phóng mặt bằng…  Giai đoạn hoàn thiện là 50% vốn còn lại thì chủ đầu tư mới bắt đầu được huy động vốn. Đây là thực trạng khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp.

Muốn đầu tư một dự án, bắt buộc các doanh nghiệp phải có từ 10 – 15% vốn tự có, sau đó mới vay tín dụng, phát hành trái phiếu… và sau khi hoàn thành phần hạ tầng, nền móng mới chính thức được huy động vốn. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đều huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu; tuy nhiêu sai phạm của một số doanh nghiệp thời gian qua như “con sâu làm rầu nồi canh”, đã ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Đặt trong bối cảnh các quỹ đầu tư trong nước còn thưa thớt, doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các quỹ đầu tư thì công tác huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản cũng ngày càng khó khăn hơn. Ông Đính cảnh báo nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ phải dừng các hoạt động đầu tư nếu bị kiểm soát quá chặt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chủ đầu tư, lao động cũng như các ngành nghề liên quan và nguy hiểm nhất là thị trường mất niềm tin.

Trước tình hình trên, Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã đề xuất thay vì siết các chính sách tín dụng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách cũng như biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với các  dự án có vấn đề (đầu cơ tích trữ, mua gom đất, thổi giá). Để giải bài toán về nguồn vốn, cần tiếp tục duy trì hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản kèm theo đó mà những quy định mới góp phần lành mạnh hóa, làm trong sạch thị trường; đồng thời chú trọng thúc đẩy, hình thành các quỹ đầu tư để doanh nghiệp sớm được tiếp cận.

Ở một góc nhìn khác, PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng vai trò, tầm quan trọng của bất động sản hiện nay bắt nguồn từ tâm lý của khách hàng xem bất động sản là cơ hội để đổi đời.

Hiện nay dòng vốn chảy vào các ngành khác so với bất động sản đang bị thiên lệch; chính vì vậy khi bàn tới bất động sản, yêu cầu hàng đầu vẫn là vấn đề siết chặt. “Việc cần bàn là bàn về mô hình để mô hình, khuynh hướng đầu cơ của nền kinh tế không bị thiên lệch, như vậy năng lực nền kinh tế sẽ không yếu kém. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ và giải quyết rốt ráo từng hạng mục cụ thể; có như vậy mới tạo ra được hệ thống phân bổ nguồn lực hợp lý, qua đó kéo giảm tình trạng đầu cơ đất đai. Cách hành động của chúng ta đều dựa trên cơ chế chính sách, cần dựa trên nền tảng nguyên tắc. Hiện nay việc hình sự hóa các quan hệ đặc biệt bất động sản là rất nguy hiểm, thiệt hại cho nhà đầu tư, thiệt hại nền kinh tế. Làm mất nhiều cơ hội, động lực cho các nhà đầu tư lớn” – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo PGS, TS Trần Đình Thiên, trong 2 năm dịch bệnh hoành hành, thị trường bất động sản đã bị tắc nghẽn. Chỉ khi các chương trình phục hồi kinh tế được kích hoạt, ngành này mới có cơ hội bùng nổ trở lại. “Cơ hội là rất lớn nhưng việc kiểm soát dòng vốn chưa được định hình có thể bỏ lỡ cơ hội. Chính sách hiện nay chưa đủ “táo bạo” để tiếp cận được cơ hội “bùng nổ”. Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần đặt vấn đề tạo cơ hội, tạo điều kiện để nguồn lực tư nhân phát triển” – ông Thiên khuyến nghị.

Việt Khuê