Hiệp định RCEP: Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị và kinh tế khu vực ASEAN

Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) vừa chính thức được ký kết theo hình thức trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và 5 đối tác (Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand), mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy triển vọng. Còn theo ghi nhận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc ký kết Hiệp định RCEP là một điểm nhấn rất lớn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020…

Khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

Đánh giá sơ bộ về ý nghĩa và tác động của Hiệp định RCEP đối với Việt Nam nói riêng – khu vực ASEAN nói chung, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết với hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng, quy mô GDP lên tới gần 27.000 tỷ USD, chiếm đến 30 % tổng GDP toàn cầu, RCEP được xem là một trong những khu vực thương mại tự do và kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên nếu so sánh với các FTA thế hệ mới khác mà Việt Nam tham gia gần đây (CPTPP, EVFTA), có thể thấy RCEP có tính chất khác xa. Nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường thỉ RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN, chính vì vậy lợi ích mang lại cũng khác biệt. Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN.

Đây sẽ là cơ hội để tất cả các nước tham gia RCEP nói chung cũng như doanh nghiệp của các nước trong Hiệp định nói riêng cơ cấu lại, định vị lại các chuỗi cung ứng và tham gia vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu bởi phạm vi quy mô của khu vực này đủ lớn để tất cả doanh nghiệp của các nước, kể cả doanh nghiệp lớn cho đến doanh nghiệp vừa và nhỏ và đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tính toán, xây dựng lại chiến lược của mình để tham gia vào chuỗi cung ứng này. Riêng với Việt Nam – một nước có nền kinh tế mở và đã trở thành nước xuất khẩu đứng thứ 25 của thế giới, RCEP sẽ là cơ hội để nước ta định hình lại và có thể khai thác tốt hơn nữa các vị thế mới, từ đó xây dựng vị trí trong bản đồ của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Ngoài ra với những điều kiện và yêu cầu rất cụ thể, Hiệp định RCEP cũng giúp mở cánh cửa rộng lớn cho thị trường hàng hóa thương mại, dịch vụ và đầu tư. “Chúng ta không có những cam kết đi xa hơn cam kết đã có trong khuôn khổ của các hiệp định thương mại tự do mà ta đã có với các đối tác, nhất là giữa ASEAN với các đối tác.

Vì vậy, sức ép cạnh tranh của hàng hóa đối với thị trường nội địa của chúng ta không đặt quá nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để có thể kiểm soát bằng các chính sách trong việc tiếp tục cải cách và nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như của doanh nghiệp để đảm bảo được hiệu quả trong việc tham gia Hiệp định này” – Người đứng đầu Bộ Công Thương nhận định.

Có thể thấy mục tiêu và nền tảng chính của Hiệp định RCEP dựa trên ba yếu tố: tạo ra hài hòa về các thủ tục xuất xứ; thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại; tạo môi trường thuận lợi để kết nối các nền kinh tế, kiến tạo cơ hội cho tăng cường năng lực sản xuất để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ASEAN trở thành một khu vực kinh tế đông nhất, duy nhất trong khía cạnh sản xuất và thị trường.

Điều đó khẳng định được vai trò trung tâm của ASEAN và trong vai trò trung tâm của ASEAN hiện nay, Việt Nam đang có một vị thế, một vai trò có ảnh hưởng lớn. Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ tiếp tục thúc đẩy những cải cách của chúng ta theo hướng tiến bộ và tích cực hơn nữa.

Từ đó môi trường đầu tư, kinh doanh và đặc biệt dựa trên nền tảng của thể chế sẽ tiếp tục được cải cách và hoàn thiện. Như vậy, những động lực mới để thúc đẩy cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là năng lực cạnh tranh và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chung vào hội nhập cũng như khuôn khổ hiệp định này sẽ được nâng cao và đảm bảo.

Đặc biệt, đây cũng là thiên thời, địa lợi nhân hòa, khi thời điểm thế giới đang định vị tổ chức lại các chuỗi cung ứng và hoạt động đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch thì chúng ta đã có được hiệp định. Điều này cho thấy, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các nước trong hiệp định cũng như các nước đối tác khác để có thể nâng cao năng lực công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng lao động, năng suất lao động cũng như năng lực cạnh tranh của quốc gia và của cả khu vực.

Rõ ràng trong một thế giới đang có rất nhiều biến động như dịch bệnh, thiên tai, bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh địa chính trị… thì ASEAN, với vai trò trung tâm, sẽ càng khẳng định vị thế của mình và có được nền tảng quan trọng, bền vững để bảo vệ hiệu quả những lợi ích của mình cũng như đảm bảo kết hợp hài hòa những lợi ích kinh tế, thương mại với những vấn đề liên quan đến ổn định chính trị, chủ quyền, chống khủng bố,… đặc biệt là thịnh vượng và phát triển chung của khu vực và thế giới.

Điều quan trọng là Hiệp định RCEP cùng với Hiệp định CPTPP đã góp phần hiện thực hóa hai mô hình lý tưởng và ấn tượng cho hình thức hợp tác liên kết thương mại kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương – khu vực tăng trưởng năng động nhất của thế giới trong giai đoạn hiện nay cũng như tới đây. Và Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào khi là một thành viên trong cả 2 Hiệp định này, tiếp tục tin tưởng về những mô hình hội nhập, hợp tác nước ta đã dẫn dắt và tham gia.

Cơ hội cho doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Xoay quanh chuỗi cung mới do Hiệp định RCEP tạo ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng với quy mô lớn, tính đa dạng của thị trường cũng như sự đa dạng của trình độ phát triển nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam và các nước RCEP hoàn toàn có đủ điều kiện để tính toán, xây dựng lại những chiến lược kinh doanh của mình và tham gia vào chuỗi cung ứng cho thị trường này.

Việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa các quy tắc xuất xứ và tiếp tục đơn giản hóa, tạo thuận lợi hóa thương mại thông qua các hoạt động kết nối trong lĩnh vực sản xuất đầu tư… chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng các mối quan hệ đối tác và tìm kiếm những đối tác để xây dựng nên các thị trường cung ứng tham gia trong các lĩnh vực này.

Đơn cử trong lĩnh vực quy tắc xuất xứ, có thể thấy với những đối tác lớn trong ngành sản xuất của Việt Nam (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) thì các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như điện tử, may mặc, da giày sẽ có điều kiện thuận lợi để định vị và vận dụng những quy tắc xuất xứ này trên cơ sở đảm bảo được lợi ích tối đa của khu vực doanh nghiệp và các ngành sản xuất của nước ta trong các chuỗi cung ứng; đồng thời giúp khai thác tốt các thị trường, từ thị trường Trung Quốc, Úc, Nhật Bản,… cho những sản phẩm của công nghiệp điện tử, dệt may, da giày…”Tôi cho rằng, đó là những yếu tố mà chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi để mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng một cách hiệu quả và bền vững.

Với quy mô lớn như vậy, chưa kể đến các khung khổ thương mại và hội nhập khác mà ASEAN đã tham gia, các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực chắc chắn sẽ coi ASEAN và Việt Nam là địa điểm lý tưởng để đầu tư. Chính vì vậy, những ngành công nghiệp nói chung cũng như các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng sẽ có điều kiện để thu hút nguồn đầu tư rất quan trọng, không chỉ bằng tín dụng, nguồn lực mà bằng cả công nghệ và công nghệ cao” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra RCEP sẽ tiếp tục tạo ra điều kiện để nâng cao năng lực và chất lượng của nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao với những cam kết và điều kiện thuận lợi cho di chuyển thể nhân. Như vậy, năng suất lao động gắn với chất lượng, kỹ năng của đội ngũ lao động Việt Nam và các nước trong ASEAN cũng sẽ có điều kiện nâng cao, cải thiện trong thời gian tới.

Đặc biệt, với những trụ cột quan trọng trong nền kinh tế ASEAN và nội dung của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, các đề án của ASEAN về việc tiếp tục khai thác cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần hình thành và nâng cao hiệu quả của những chuỗi cung ứng mà Việt Nam và ASEAN có quyền trông đợi.

Linh Lan