Hiệp định EVFTA – Bệ phóng tăng trưởng toàn diện cho nền kinh tế Việt Nam

Việt Nam vừa đón nhận tin vui đầu năm khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua. EVFTA được phê chuẩn kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam; ngoài ra Hiệp định cũng sẽ kéo theo dòng đầu tư có chất lượng của EU vào nước ta.

Ảnh: CafeF

Động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại – đầu tư

Đại sứ Giorgio Aliberti  – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam nhận định với EVFTA, Việt Nam và EU đã có những mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết về mặt kinh tế và cả trong các lĩnh vực khác. Việc thực thi các khuôn khổ hợp tác này tạo ra sự thay đổi rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích; trong đó lợi ích lớn nhất là việc giảm hàng rào thuế quan, tăng cường tiếp cận thị trường một cách mạnh mẽ ngay từ ngày đầu tiên Hiệp định đi vào thực thi, có thể là ngay đầu mùa hè, sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Sau đó, 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ được miễn thuế và con số còn lại lên đến 99% số dòng thuế này sẽ được tự do hóa trong vòng 7 năm. Việc giảm thuế quan sẽ tạo ra một lực đẩy rất tốt như tạo ra công ăn việc làm, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng thêm 15 tỷ EUR, tương đương 16,32 tỷ USD trong những năm tới đây.

Không chỉ tạo ra việc làm, Hiệp định EVFTA còn thúc đẩy phát triển bền vững cho Việt Nam vì những hàng rào phi thuế quan cũng được điều chỉnh, cải thiện. Bên cạnh đó Hiệp định cũng tạo ra động lực rất tốt, năng động cho sự phát triển của Việt Nam rồi kéo theo dòng đầu tư có chất lượng của EU. Điều này sẽ giúp Việt Nam thay đổi quá trình sản xuất của mình, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho cả hai bên. Điều quan trọng ở đây là Hiệp định thay đổi cách thức sản xuất của Việt Nam để tăng lượng xuất khẩu vào EU.

Nền tảng thực thi nhiều nội dung quan trọng khác

Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính: thương mại hàng hóa; quy tắc xuất xứ; hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm; các rào cản kỹ thuật trong thương mại; thương mại dịch vụ; đầu tư; phòng vệ thương mại; cạnh tranh; doanh nghiệp nhà nước; mua sắm của Chính phủ; sở hữu trí tuệ; thương mại và phát triển bền vững; hợp tác và xây dựng năng lực; các vấn đề pháp lý – thể chế.

Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết khi EVFTA đi vào thực thi, các nội dung này sẽ được EU và Việt Nam đẩy mạnh triển khai; trong đó lao động là nội dung đầu tiên và rất quan trọng. “Chúng tôi rất vui mừng với việc gần đây Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Cùng với việc này, Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn các công ước còn lại của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và chúng tôi sẽ theo dõi trong thời gian tới những nội dung về vấn đề lao động sẽ được triển khai như thế nào” – ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Ngoài lao động, mua sắm chính phủ cũng là vấn đề rất quan trọng vì Việt Nam đã dành một lượng đầu tư công lớn trong tỷ trọng GDP, lên tới 39%. WTO cũng có hiệp định về mua sắm chính phủ có tên GPA, đây là thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam lại chưa phải là thành viên của hiệp định GPA. Đối với EVFTA, nội dung mua sắm chính phủ sẽ có thể hỗ trợ hướng dẫn thực thi tiêu chuẩn quốc tế này. Đơn cử như trong lĩnh vực mua sắm thiết bị cho bệnh viện địa phương, khi thực thi EVFTA, các bệnh viện có thể mua các trang thiết bị như máy scan và các sản phẩm có chất lượng từ EU để sử dụng trong bệnh viện, giúp cải thiện công việc chuyên môn của các bác sĩ cũng như nâng cao việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Về vấn đề sở hữu trí tuệ, EU và Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm đến việc các doanh nghiệp của hai bên sẽ được bảo vệ như thế nào, đặc biệt là của phía EU, các sáng chế của họ sẽ được tôn trọng và bảo vệ ra sao. Chỉ dẫn địa lý là một ví dụ khác, chúng ta sẽ áp dụng chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng. Rất nhiều mặt hàng của châu Âu được công nhận chỉ dẫn địa lý và Việt Nam sẽ có 39 mặt hàng được công nhận tại thị trường EU; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của cả 2 bên. “15 tỷ EUR tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới cũng là một phần của quá trình này và nó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên và cho người nông dân, người lao động và các doanh nghiệp” – Đại sứ Giorgio Aliberti cho hay.

Cũng theo ngài Đại sứ, hai nền kinh tế EU và Việt Nam có sự bổ sung cho nhau, chính vì vậy Hiệp định EVFTA sẽ tạo động lực thúc đẩy mối quan hệ giữa bai bên trong lĩnh vực này thời gian tới. Việt Nam có thế mạnh trong xuất khẩu các hàng hóa thuộc khu vực nhiệt đới, đồng thời Việt Nam sản xuất những mặt hàng nhiều lao động. Với việc thực thi Hiệp định sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này bởi hàng rào thuế quan đã được giảm và gỡ bỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta lượng hóa được sự tăng xuất khẩu này bằng cách nhìn vào việc Việt Nam trong thời gian tới sẽ trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Yếu tố quan trọng này cùng với nỗ lực đẩy mạnh cải cách của Việt Nam sẽ tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư của EU vào Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu rất quan trọng bởi nó sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới. Hàng năm, 1,2 – 1,5 triệu người lao động sẽ tham gia vào thị trường lao động. Với sự thúc đẩy này, quá trình tăng trưởng sẽ là cơ hội tốt cho các lao động mới gia nhập thị trường.

Minh Anh