Hàn Quốc đang quyến rũ Đông Nam Á

Tổng thống Moon đã tới Lào, Thái Lan và Myanmar, ký hàng loạt thỏa thuận quan trọng, bao gồm thỏa thuận chia sẻ tình báo cùng Bangkok, cam kết viện trợ một tỷ USD cho Naypyidaw và thiết lập các mối quan hệ đối tác kinh doanh với Vientiane.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm ba nước Đông Nam Á tuần trước, trong nỗ lực nhằm gia tăng ảnh hưởng của Seoul.

Chuyến thăm kết thúc vào 6/9, thời điểm mà theo giới chuyên gia là rất cần thiết khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang gây hoang mang trên toàn thế giới.

Chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy định hướng chính sách châu Á của Hàn Quốc đang được mở rộng. Trước đây, Seoul chủ yếu hướng sự tập trung chính sách đối ngoại vào khu vực Bắc Á và Nga, nhưng dưới thời Tổng thống Moon, Hàn Quốc đang cố gắng để tăng cường quan hệ với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chiến lược này nhiều khả năng sẽ được các nước Đông Nam Á đón nhận bởi họ tin rằng việc Seoul xoay trục sang ASEAN có thể giúp thăng bằng cán cân quyền lực trong khu vực, theo giới phân tích.

Một nghiên cứu từ Viện ISEAS-Yusof Ishak, trụ sở tại Singapore, cho thấy 70% các bên liên quan tại Đông Nam Á tin khu vực “đang trở thành đấu trường cạnh tranh quyền lực lớn”. Tình thế này chủ yếu nảy sinh từ những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Mục tiêu thống trị khu vực Đông Nam Á cả về chính trị, kinh tế và thương mại của Bắc Kinh, phản ánh qua các khoản cho vay và đầu tư khổng lồ dưới Sáng kiến Vành đai Con đường, đã buộc Washington phải đáp trả bằng chương trình phát triển tài chính riêng nhằm chống lại ảnh hưởng từ Trung Quốc.

“Các thành viên ASEAN sẽ cần cảnh giác hết sức để tránh trở thành quân tốt trong cuộc đấu quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ”, Viện ISEAS-Yusof Ishak cảnh báo.

Theo giới chuyên gia, Đông Nam Á có lẽ sẽ không quay lưng hẳn với Bắc Kinh hay Washington nhưng họ chắc chắn sẽ đón nhận những nguồn đầu tư nước ngoài khác. Nhật Bản là một ví dụ. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này từ lâu đã là nhà đầu tư hàng đầu cho Đông Nam Á, nhưng giống như Mỹ, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe cũng quan ngại về ảnh hưởng ở nước ngoài của Trung Quốc.

Để so sánh, việc Hàn Quốc tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á được cho là không bắt nguồn từ động lực địa chính trị. “Khác Nhật Bản hay Mỹ, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc không thực sự quan tâm tới việc cân bằng quyền lực với Trung Quốc ở khu vực”, Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên phụ trách các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên dưới thời tổng thống Barack Obama, nhận xét. Hàn Quốc “nhìn chung miễn cưỡng đối kháng với Trung Quốc hay bất kỳ cường quốc nào khác”.

Scott Snyder, chủ nhiệm chương trình chính sách Mỹ – Hàn tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho rằng từ quan điểm của ASEAN, “Hàn Quốc rõ ràng dễ chấp nhận hơn so với Washington hay Bắc Kinh”.

Theo ông, Tổng thống Moon chấp nhận đáp ứng như cầu dài hạn của Đông Nam Á về nguồn vốn đầu tư không phải vì cạnh tranh chiến lược và việc hợp tác với Seoul sẽ mang đến cho ASEAN “một bước đệm và đòn bẩy chống lại cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc”.

Trong vấn đề phát triển kinh tế, các nước ASEAN luôn muốn tìm kiếm nhiều đồng minh bởi họ mong muốn “giảm sự phụ thuộc vào một đối tác đơn lẻ và củng cố đòn bẩy chống lại hành vi cưỡng ép, nếu có, từ những đối tác lớn hơn”, Snyder bình luận. Dù đóng góp của Hàn Quốc cho khu vực chưa phải quá lớn, giới quan sát nhận định Seoul sẽ giữ vai trò tương đương Tokyo với tư cách đối tác phát triển đáng tin cậy ở Đông Nam Á.

Seoul thậm chí còn có lợi thế hơn Tokyo. “Điều thú vị là Seoul vừa ít ủng hộ Mỹ vừa ít chống Trung Quốc hơn so với Tokyo”, Herve Lemahieu, chuyên gia từ Viện Lowy ở Sydney, Australia, cho hay. Vì thế, Seoul “có giọng điệu trung lập hơn khi đề cập tới cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các siêu cường và có thể được nhìn nhận như một đối tác thoải mái của rất nhiều quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á”.

Jonathan Berkshire Miller, chuyên gia cao cấp tại Viện các Vấn đề Quốc tế Nhật Bản, cho rằng “Hàn Quốc chắc chắn mang ít gánh nặng hơn” so với Nhật. Tuy nhiên, ông cảnh báo về khả năng hai gã khổng lồ châu Á trở thành đối thủ của nhau. “Nhật Bản và Hàn Quốc không nhất thiết phải trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp bởi cả hai bên đều ủng hộ việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng và phát triển bền vững”, Miller nói.

Dù vậy, sự quan tâm của Hàn Quốc dành cho Đông Nam Á không hẳn nằm ngoài mục đích chính trị. Tổng thống Moon có thể muốn ASEAN ủng hộ trong vấn đề Triều Tiên, giới nghiên cứu đánh giá.

Chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên luôn đối diện nguy cơ bị tác động bởi các cường quốc lớn hơn, đặc biệt giữa lúc quan hệ Washington – Bình Nhưỡng có nhiều biến động, vì thế họ cần một đối tác đáng tin cậy trong tiến trình hòa bình, Chiew-Ping Hoo, giảng viên tại Đại học Quốc gia Malaysia viết trong một bài bình luận hồi tháng 4. “ASEAN hoàn toàn có tiềm năng đóng góp cho cái gọi là ‘tiến trình Moon Jae-in’ trên bán đảo Triều Tiên”, bà giải thích và thêm rằng Tổng thống Moon có thể muốn ASEAN giúp Triều Tiên hòa nhập vào cộng đồng khu vực.

Vũ Phong