Hạn hán ở Trung Quốc nêu bật thách thức trong lĩnh vực năng lượng
Những đợt nắng nóng và hạn hán kỷ lục của Trung Quốc đã nêu bật những thách thức lớn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong những năm tới trong bối cảnh khí hậu thay đổi.
Thời tiết nóng hơn và khô hơn có thể đẩy mức tiêu thụ năng lượng vốn đã rất lớn của Trung Quốc lên cao hơn trong những năm tới. Điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách sẽ không chỉ cần khéo léo quản lý quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh – mà còn giải quyết những khiếm khuyết trong mạng lưới năng lượng tái tạo của nước này như thủy điện và gió.
Những hạn chế của mạng lưới năng lượng tái tạo hiện có của Trung Quốc đã bộc lộ vào tháng trước khi hạn hán làm gián đoạn các nhà máy thủy điện dọc sông Dương Tử, khiến hàng triệu người dân và doanh nghiệp ở phía tây nam của đất nước không có điện.
Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công và Môi trường có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với Al Jazeera: “Đây là một lời nhắc nhở khắc nghiệt rằng quá trình chuyển đổi trong lĩnh vực cung cấp điện của chúng ta hướng tới giảm phát thải khí carbon vẫn chưa hoàn thành. Và sẽ khó đạt được điều đó hơn dự kiến”.
Thủy điện được coi là một trụ cột thiết yếu trong tham vọng của Trung Quốc nhằm đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Để đạt được những mục tiêu đó – chưa kể đến việc đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp và người dân về nguồn điện dồi dào và đáng tin cậy – sẽ là một thách thức ngay cả khi không có sự kém hiệu quả cản trở lưới năng lượng xanh của Trung Quốc.
Hiệu quả tăng lên có thể làm thay đổi quy mô ngành thủy điện của Trung Quốc, vốn là ngành thủy điện lớn nhất thế giới, đặc biệt là ở các địa phương như Tứ Xuyên, nơi nhận 80% năng lượng từ các đập thủy điện.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, công suất thủy điện của Trung Quốc đã tăng gấp sáu lần từ năm 2000 đến năm 2019, khi chiếm gần một phần ba công suất toàn cầu.
Đồng thời, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đã tăng vọt, tăng gấp 5 lần từ năm 2000 đến năm 2019, theo Viện Brookings. Chỉ riêng năm ngoái, lượng tiêu thụ đã tăng khoảng 10% bất chấp việc triển khai rộng rãi các biện pháp phong tỏa để kiểm soát COVID-19.
Tuy nhiên, sự cạn kiệt của các hồ chứa trong đợt nắng nóng kéo dài 6 tuần bắt đầu vào tháng 6 đã thu hút sự chú ý về mối nguy hiểm của việc phụ thuộc nhiều vào một nguồn năng lượng duy nhất.
Về dài hạn, Bắc Kinh đang nghiên cứu một loạt các dự án đầy tham vọng nằm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển năng lượng tái tạo và không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả kế hoạch xây dựng các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời với công suất tương đương với toàn bộ lưới điện năng lượng tái tạo của châu Âu trong vòng tám năm tới.
Việt Hoàng