Hạn chế dùng tiền mặt do COVID-19

Trong vài năm gần đây, chủ đề dùng tiền mặt hay chuyển sang thanh toán trực tuyến luôn là đề tài nóng bỏng.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, chủ đề này lại tiếp tục nóng lên và xu hướng này có phần nghiêng về giải pháp thanh toán trực tuyến, không chỉ vì rủ ro liên quan đến tiền mặt mà còn vì lo ngại sự  lây lan của virus. Mối lo ngại lớn đến nỗi vào tháng 2 vừa qua, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu khử trùng tiền giấy ở những vùng bị ảnh hưởng bởi virus này.

Vào tháng 3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xác nhận họ đang cách ly các tiền mặt đến từ châu Á trước khi tái luân chuyển. Một số ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã xóa bỏ tiền giấy và nhiều quốc gia đã khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy nguy cơ lây nhiễm virus qua tiền giấy là cao hơn bất kỳ việc truyền qua các vật thể thường xuyên chạm nào khác, chẳng hạn như thiết bị đầu cuối thẻ tín dụng hoặc bàn phím gõ mã PIN. Lời khuyên chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới là rửa tay khi cầm vào tiền mặt.

Tuy nhiên, trong lúc COVI-19 khiến chúng ta lo lắng hơn về sức khỏe của mình, nó cũng khiến chúng ta hoang tưởng về tình trạng tài chính của mình. Vào tháng 3-2020, khi nhiều người trong chúng ta dự trữ giấy vệ sinh và đậu nướng, những người Úc giàu có hơn đã rút tiền mặt của họ.

Một lượng nhỏ khách hàng thực hiện rút rất nhiều tiền – hơn 100.000 USD, và trong một số trường hợp là hàng triệu USD – theo đánh giá ổn định tài chính mới nhất của Ngân hàng Dự trữ (RBA).

Việc thiếu hụt tiền mặt đã được phát hiện tại các chi nhánh ngân hàng vào cuối tháng 3 và buộc RBA và các ngân hàng thương mại phải lưu trữ nhiều tiền mặt hơn trong kho tiền ngân hàng.

RBA báo cáo rằng tích trữ tiền mặt đã ’giảm’, nhưng số liệu cho thấy người Úc vẫn thích tiền mặt.

Tiền mặt vẫn là một mạng lưới an toàn

Trong khi nhiều người Úc đang thực hiện thanh toán và mua hàng qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, và các tấm séc đang dần ít được sử dụng, thì nhiều người vẫn lưu trữ tiền mặt.

Khảo sát thanh toán tiêu dùng năm 2019 của RBA cho biết séc được sử dụng không thường xuyên đến mức nó sẽ “bị xóa sổ ở một số nơi”.

Séc cá nhân chỉ chiếm 0,2% các khoản thanh toán được thực hiện trong tuần khảo sát RBA (tỷ lệ tương tự như năm 2016) và tất cả các khoản thanh toán séc được thực hiện trong khảo sát năm 2019 được thực hiện bởi những người trả lời trên 50 tuổi.

Nhưng tiền mặt, trong khi được sử dụng ít thường xuyên hơn so với trước đây, “vẫn được giữ rộng rãi cho mục đích phòng ngừa”, RBA cho biết.

Người tiêu dùng trên 65 tuổi vẫn thực hiện hơn một nửa khoản thanh toán bằng tiền mặt vào năm 2019.

Các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng có xu hướng trả bằng tiền mặt thường xuyên hơn các hộ gia đình trong các nhóm thu nhập cao hơn.

Chuyển sang tiền kỹ thuật số

Thứ nhất, tiền mặt rất khó để theo dõi, khiến các chính phủ khó ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp như trốn thuế, buôn bán ma túy và khủng bố.

Ước tính khoảng hai phần ba trong số các đồng bạc 100 USD được lưu giữ bên ngoài Hoa Kỳ, điều này cho thấy chúng có thể được sử dụng cho các giao dịch bất hợp pháp.

Tại Úc, Chính phủ đã đưa ra ước tính định tính rằng có thể mất tới 50 tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế chợ đen.

Thứ hai, các đồng tiền mệnh giá lớn đang biến mất trên toàn thế giới.

Năm 2016, chính phủ Ấn Độ tuyên bố rằng tờ 1.000 và 500 rupee sẽ không còn hiệu lực.

Hai năm sau, Ngân hàng Trung ương châu Âu ngừng phát hành tờ 500 EUR mới.

Và một số nước châu Âu đã chuyển sang cấm mua tiền mặt cho các giao dịch lớn.

Cuối cùng, khi tiền giấy mệnh giá lớn hơn biến mất, có một sự thay đổi đối với các loại tiền kỹ thuật số trên toàn thế giới.

Sau khi các nhà chức trách ban đầu vật lộn với cách điều tiết tiền ảo – đặc biệt là sau khi Facebook đánh dấu các kế hoạch ra mắt đồng Libra – giờ đây chúng có khả năng trở thành xu hướng trong vòng hai năm tới, theo báo cáo từ Deutsche Bank.

Sự thúc đẩy không còn đến từ khu vực tư nhân, mà bởi các chính phủ, nơi nhận ra vai trò lớn hơn của tiền tệ trong việc nắm giữ quyền lực kinh tế.

Tiền tệ có thể được sử dụng như một công cụ quyền lực mềm hoặc cứng

Trung Quốc đã chuyển sang thay thế tiền mặt bằng một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành, mà các nhà kinh tế cho rằng có thể thay đổi tâm điểm của sức mạnh kinh tế toàn cầu.

Một báo cáo gần đây của Deutsche Bank đã lưu ý điều này, nói rằng một loại tiền tệ như vậy có thể được sử dụng như một công cụ quyền lực mềm hoặc cứng.

“Trên thực tế, nếu các công ty kinh doanh tại Trung Quốc buộc phải áp dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, nó chắc chắn sẽ làm xói mòn tính ưu việt của đồng USD trên thị trường tài chính toàn cầu”, báo cáo cho biết.

Trung Quốc không phải là quốc gia đông dân duy nhất đang xem xét ban hành tiền kỹ thuật số.

Năm ngoái, một hội đồng chính phủ Ấn Độ đã đề nghị áp dụng án tù lên tới 10 năm và phạt nặng đối với bất kỳ ai kinh doanh tiền kỹ thuật số tư nhân, đề nghị nước này thay vào đó xem xét tung ra một loại tiền kỹ thuật số được chính phủ hỗ trợ.

Các ngân hàng trung ương của Anh, Canada, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Thụy Điển và eurozone gần đây cũng đã kết hợp với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế để thành lập một nhóm sẽ xem xét các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDCs).

Siêu cường hiện tại của thế giới, Mỹ, đã đề nghị Thượng viện xem xét đề xuất tạo ra một loại tiền kỹ thuật số được hỗ trợ bằng USD cho phép Chính phủ gửi thanh toán trực tiếp đến ví của công dân do Cục Dự trữ Liên bang nắm giữ, được gọi là FedWallets.

Và, trong khi Úc chưa công bố kế hoạch chính thức giới thiệu một loại tiền kỹ thuật số, Ngân hàng Dự trữ gần đây đã tiết lộ rằng họ đã thử nghiệm một hệ thống trong đó các ngân hàng thương mại giải quyết thanh toán với nhau bằng cách sử dụng CBDC.

RBA cũng lưu ý những lợi thế của một hệ thống như vậy, chẳng hạn như giảm chi phí và thanh toán nhanh hơn.

Trong khi đó, xu hướng mua hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số sẽ có khả năng tăng lên, ngay cả sau khi đại dịch COVID-19 được giải quyết.

Cách chúng ta sống, mua sắm và làm việc đã được chuyển sang hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, cũng có thể cuộc khủng hoảng này đã khiến tất cả chúng ta hoang tưởng hơn một chút về sinh kế của chúng ta.

Và khi nói đến tiết kiệm cho tương lai xấu, nhiều người Úc vẫn tin rằng tiền mặt là lựa chọn hàng đầu.

Thiên Phú (Theo ABC News)