Hai mặt của thị trường nhà ở đang bùng nổ ở Trung Quốc

Khi đại dịch tiếp tục gây ra hỗn loạn kinh tế ở hầu hết các nơi trên thế giới, một lĩnh vực đã có dấu hiệu phục hồi là bất động sản. Trung Quốc nằm trong số các nước hưởng lợi, nơi doanh số bán bất động sản năm ngoái đạt 2,6 nghìn tỷ USD theo Cục Thống kê Quốc gia. Sau sự sụt giảm vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng 8,7% vào cuối năm so với năm 2019.

Việc xây dựng nhà ở mới nhằm vào phân khúc cao cấp của thị trường đang diễn ra nhanh chóng gần Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc nước này. Khoảng 650 chung cư và nhà ở đang được xây dựng.

Giá của những ngôi nhà dao động từ 920.000 USD đến 1,8 triệu USD. Thậm chí, con số thấp hơn còn gấp hơn 180 lần thu nhập khả dụng hàng năm trung bình của người dân thành thị của tỉnh, vào khoảng 5.000 USD.

Nỗi sợ bong bóng nhà đất

Giá cả tăng vọt tại các khu đô thị lớn là một nguyên nhân khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại. Giá nhà mới ở Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái đã tăng 47,9% so với năm 2015, trong khi Thượng Hải tăng 56%. Các biện pháp nới lỏng tiền tệ được thiết kế để thúc đẩy nền kinh tế đã giúp bơm một lượng tiền lớn vào thị trường bất động sản. Đó được coi là một trong những yếu tố chính đằng sau sự tăng giá.

Tháng 12 năm ngoái, các nhà chức trách đã quyết định giải quyết cơn sốt mua bất động sản cho mục đích đầu tư tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, hội nghị vạch ra các kế hoạch quản lý kinh tế của Trung Quốc. Họ đã đưa ra giới hạn tỷ lệ cho vay nhà ở và bất động sản trên tổng các khoản vay do các ngân hàng trong nước cung cấp vào tháng 1. Các biện pháp chặt chẽ hơn, mang tính cá nhân hơn, đang được thực hiện ở các thành phố lớn nhất. Các quan chức Thượng Hải đã thông báo hạn chế mua nhà trong một thời gian sau khi người dân ly hôn. Ở Thượng Hải và Bắc Kinh, các gia đình phải đối mặt với các yêu cầu vay vốn khó khăn hơn nếu họ muốn mua một ngôi nhà thứ hai hoặc các đơn vị ở bổ sung. Truyền thông địa phương nói rằng điều đó đã khiến nhiều cặp vợ chồng ly hôn để họ có thể đầu tư như vậy với tư cách cá nhân, rồi tái hôn sau đó.

Mặt khác của vấn đề

 Tuy nhiên, đó không phải là bức tranh toàn quốc về nhu cầu không được kiểm soát – tình trạng cung vượt cầu của các căn hộ dân cư đang làm dấy lên lo ngại ở một số nơi. Việc xây dựng các chung cư lớn đang bùng nổ ở trung tâm Cáp Nhĩ Tân, phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang. Nhưng các công ty bất động sản địa phương nói với NHK rằng điều đó đang xảy ra cùng với giá giảm và hàng tồn kho dư thừa. Tình hình này đã khiến chính quyền địa phương phải vào cuộc vào tháng 11 năm ngoái trong nỗ lực khuyến khích bán căn hộ. Họ kêu gọi giảm giá theo điều kiện thị trường. Nguồn thu thuế từ bán bất động sản là quan trọng đối với chính quyền địa phương, vì vậy một thông báo như vậy được coi là bất thường.

Tình trạng dư cung tương tự đối với các căn hộ cũng được cho là cũng xảy ra ở các thành phố khác trong khu vực. Một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Bất động sản E-House Thượng Hải cho thấy số lượng nhà ở mới chưa bán được trong thành phố đã đạt mức cao nhất kể từ mùa thu năm 2016.

Hướng tới kỷ niệm 100 năm ĐCSTQ

Các chuyên gia đang đưa ra các ý kiến chia rẽ về triển vọng thị trường bất động sản của Trung Quốc. Một số ý kiến ​​cho rằng các quy định của chính phủ sẽ giảm bớt phần nào tình trạng quá nóng, trong khi những người khác cảnh báo rằng giá nhà ở có thể giảm do các cú sốc bên ngoài, chẳng hạn như tăng lãi suất, điều này sẽ tạo ra một lực hãm cho nền kinh tế. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập vào tháng 7. Các nhà phân tích dự đoán rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và ban lãnh đạo khó có thể thúc đẩy bất kỳ sự thay đổi chính sách nào sắp xảy ra cho đến ít nhất là nửa đầu năm nay. Nhưng nếu Trung Quốc ưu tiên tăng trưởng trong ngắn hạn, có một nguy cơ thực sự là nó có thể gây ra bong bóng nghiêm trọng và đe dọa sự hồi sinh kinh tế.

Bảo Hoàng