Gỡ nút thắt trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cho Việt Nam cơ hội đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu song nút thắt hiện nay là ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước vẫn còn phát triển theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nhằm tháo gỡ nút thắt này, trong năm 2021 Bộ Công Thương sẽ dồn lực cho triển khai các dự án sản xuất hàng phụ trợ, từ đó tạo năng lực và nguồn hàng cho xuất khẩu.

những ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do CNHT trong nước kém phát triển. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp chủ lực.

Bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp Việt có xu hướng quay về “sân nhà” tìm kiếm đối tác cung ứng nguổn nguyên phụ liệu và sản phẩm phụ trợ thay thế; qua đó không chỉ tiết kiệm được chi phí, chủ động thời gian mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều quan trọng là xu thế này đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển, vươn lên trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra Việt Nam cũng đang trở thành “nam châm” hút dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ các nước nhờ vào hàng loạt các FTA được thực thi. Để tiếp cận các ưu đãi thuế quan hấp dẫn cũng như cơ hội đầu tư từ các FTA, nhiều doanh nghiệp FDI đã tin tưởng chọn Việt Nam làm điểm đến.  Các doanh nghiệp đang hoạt động thì tập trung tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất, chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm CNHT. Song song đó các doanh nghiệp ngành CNHT còn tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần khẳng định vị thế hàng Việt trên trường quốc tế.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, xét trên bình diện chung nền tảng CNHT trong nước hãy còn yếu kém (do thiếu sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng vào nguồn vốn, công nghệ, con người…) nên chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Nhằm khắc phục những bất cập này, từng bước nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp CNHT, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết trong năm 2021 sẽ tập trung rà soát các dự án sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng công nghiệp lớn phục vụ cho xuất khẩu; kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu. Cụ thể Cục Công nghiệp sẽ triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho 2 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam; xây dựng và triển khai kế hoạch làm việc với một số địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp để hướng dẫn triển khai các chính sách phát triển công nghiệp. Ngoài ra Cục cũng sẽ phối hợp với các đơn vị phụ trách thị trường khu vực và các thương vụ tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối và đẩy mạnh chuỗi sản xuất toàn cầu, khai thác tốt các FTA

Cũng nằm trong mục tiêu chung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành CNHT đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới, ngày 6/8/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, tạo “bệ phóng” cho các doanh nghiệp CNHT khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó Nghị quyết 115/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Với nhiều chính sách mới, tính khả thi cao, Nghị quyết 115/NQ-CP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt cho ngành CNHT trong nước khi đưa ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể đến năm 2025 và năm 2030. Những giải pháp này đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.

Quốc Huy