Gỡ “nút thắt” cho thị trường bán lẻ Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng thứ 6 trong Top 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu; trong đó các thương hiệu bán lẻ trong nước đã và đang phát triển mạnh mẽ với một số thương hiệu lớn có tốc độ phát rất nhanh.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường bán lẻ đã mở cửa hoàn toàn, những thay đổi tích cực của thị trường đã tác động lớn đến tiêu dùng của người dân cũng như phương thức phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất, cung cấp. Theo thống kê, giai đoạn 2010 – 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước tăng 2,65 lần, từ 19,3 triệu đồng/người năm 2010 lên 51,2 triệu đồng/người năm 2019 với đóng góp gần 8% vào tăng trưởng GDP.
Tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường bán lẻ, hệ thống hạ tầng thương mại thời gian qua cũng đã có sự phát triển tương xứng với khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm; 150 trung tâm thương mại và gần 9.000 khu chợ. Điểm đáng lưu ý là số lượng trung tâm thương mại phát triển mạnh, tăng gấp 3 lần và đã có ở 51/63 tỉnh/thành phố. Tỷ trọng hàng hóa qua kênh này đã tăng từ 16% năm 2010 lên khoảng 22-25% vào năm 2015 và giữ vững ở mức 25-27% vào năm 2018.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước chỉ đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%). Bộ Công Thương cho rằng tác động của Covid-19 không chỉ làm sụt giảm tăng trưởng thương mại nội địa trong năm 2020 mà còn ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch 2011-2020 và 2016-2020 của nước ta.
Cũng theo Bộ Công Thương, nhờ sự xuất hiện của hệ thống các doanh nghiệp FDI và sự lớn mạnh nhanh chóng của một số doanh nghiệp lớn trong nước đã góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ trong nước những năm qua. Một tín hiệu vui nữa là các thương hiệu bán lẻ trong nước đã và đang phát triển mạnh mẽ với một số thương hiệu lớn có tốc độ phát rất nhanh như Saigon Co.opmart, Hapro, Satra, VinMart…
Tổng hòa những những lợi thế trên, Bộ Công Thương nhận định Việt Nam sẽ là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại của doanh nghiệp FDI hiện chiếm hơn 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại; với số lượng doanh nghiệp có giao dịch thương mại điện tử tăng hơn 3 lần trong 10 năm qua (khoảng 259 nghìn doanh nghiệp vào năm 2019) và sự tham gia của hơn 55% dân số với mức chi tiêu trung bình 600 USD/người/năm.
Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đạt được, phát triển thương mại trong nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: mang tính chất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian; các biện pháp quản lý thị trường thông qua tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện kinh doanh chưa được thực hiện hiệu quả; hạ tầng thương mại ở một số khu vực vẫn còn yếu kém và lạc hậu; cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối, thiếu dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử…
Bộ Công Thương cho biết để tháo gỡ những “nút thắt”, Bộ sẽ tập trung phát triển thương mại nội địa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa; tăng cường hỗ trợ hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối; thúc đẩy chuyển dịch hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Song song đó, Bộ Công Thương cũng dành ưu tiên cho phát triển thương mại điện tử gắn với hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật về quản lý hoạt động thương mại điện tử; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và đẩy nhanh lưu thông hàng hóa của Việt Nam qua các hệ thống phân phối trong cũng như ngoài nước.
Kim Phương