Gỡ khó cho xuất khẩu cá tra sang EU

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến xuất khẩu cá tra sang EU tiếp tục giảm sâu với mức giảm gần 36%. Câu hỏi được đặt ra là liệu trong những tháng còn lại của năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường lớn này có bật tăng trở lại?

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 5/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 53,4 triệu USD, giảm gần 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giá trị xuất khẩu sang 4 thị trường lớn nhất trong khối sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm ngoái: Hà Lan giảm 31,3%; Đức giảm 31,7%; Tây Ban Nha giảm 16,9%, Bỉ giảm 37,7%. Sự sụt giảm này cũng phần nào cho thấy dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ tới đời sống, hoạt động thương mại của nhiều nước EU. Tính chung trong Top 5 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, EU đã tụt xuống vị trí thứ 4, đứng sau Trung Quốc – Hồng Kông, Mỹ và ASEAN.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid – 19 bùng phát đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu cá tra sang EU. Ảnh hưởng rõ rệt nhất là giai đoạn cao điểm của dịch – tháng 3/2020. Sở dĩ giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm là do hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam bị ngưng trệ. Cũng chính điều này đã kéo theo sự sụt giảm giá trị xuất khẩu cá tra sang EU.

Hiện nay dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại EU tác động tiêu cực tới nền kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực cũng như chi tiêu của người dân, thương mại, vận tải, chuỗi cung ứng… Vào tháng 5/2020, EU đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho một cuộc suy thoái kinh tế lịch sử diễn ra trong năm nay. Dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ sụt giảm ở mức kỷ lục khoảng 7,75% vào năm 2020, tất cả mọi lĩnh vực đều khó có thể vực dậy. Dự báo sự tụt dốc của EU sẽ tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu cá tra sang khu vực này. Trong những tháng còn lại của năm, nhiều khả năng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU sẽ vẫn tiếp tục giảm.

Không chỉ thị trường EU gặp khó mà xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác trên thế giới cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Để hạn chế sự sụt giảm này, doanh nghiệp và người nuôi cá tra cần tăng cường kiểm soát điều kiện nuôi trồng thủy sản và chất lượng vật tư đầu vào; kiểm tra điều kiện nuôi trồng thủy sản và cấp mới/cấp lại mã số nhận diện ao nuôi theo quy định tại Luật Thủy sản; thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu như hiện nay. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần năng động vươn ra tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính.

Về phía ngành Thủy sản, để sản xuất kịp thời với tín hiệu thị trường, ngành sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có cơ hội. Toàn ngành cũng tập trung xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu – nhà máy chế biến – cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin, có kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản nhằm đảm bảo kiểm soát chất lượng cá tra xuất khẩu.

Trâm Anh