Gỡ bỏ những rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp

Những năm gần đây, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cởi mở hơn trước rất nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho người dân gia nhập thị trường. Tuy nhiên bối cảnh mới cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đó là những rào cản đang hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…

TS. Nguyễn Đình Cung – Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Chia sẻ tại Tọa đàm “Quyền tự do kinh doanh – Cần xóa bỏ khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn”, TS. Nguyễn Đình Cung – Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng xuất phát điểm của những rào cản trong kinh doanh nằm ở chính tư duy xây dựng luật pháp. Hiện nay, doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà luật không cấm song kinh doanh như thế nào, sản xuất cho ai, bao nhiêu, như thế nào thì gần như chưa được tự do. Người dân mới chỉ được tự do lựa chọn kinh doanh “cái gì” thôi, còn lại các yêu cầu suất đầu tư phải có trị giá chừng này, quy mô phải chừng này… thì tất cả đều là hạn chế quyền tự do kinh doanh.

Đồng quan điểm, chuyên gia Tài chính Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam nhận định nếu nước ta cứ mãi duy trì cơ chế như hiện nay mà không cải cách, không đổi mới sẽ kéo giảm sức hút của môi trường đầu tư kinh doanh. “Có những giấy phép chứng nhận đầu tư chúng tôi phải đi xin mất khoảng 3-4 năm, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Trên là cơ quan quản lý nhà nước hoạch định quản lý vĩ mô song người quản lý vi mô ở bên dưới, sát cùng doanh nghiệp, họ lại có quyền lực của việc thanh tra, kiểm tra và kiểm soát, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đây là điều mà doanh nghiệp rất e ngại. Nếu có mối quan hệ không tốt với người quản lý vi mô thì doanh nghiệp thường xuyên bị thanh tra kiểm tra. Thủ tướng nói là Covid-19 thì không thanh tra, kiểm tra, nhưng chúng tôi tiếp trên 10 đoàn thanh tra, kiểm tra khác nhau rồi” – ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, luật sẽ tiệm cận với hoạt động đời thường của doanh nghiệp nếu nhà nước quản lý bằng tư duy đồng hành doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là người bạn chứ không phải bằng mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và thành phần kinh tế. Còn việc xây dựng và hoạch định về luật, hay về chính sách quản lý nhà nước nên có thay đổi, việc xây dựng luật nên chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, coi trọng thành phần chủ thể hưởng thụ luật hơn để họ đóng góp ý kiến, đảm bảo tính dân chủ, minh bạch.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng muốn cải cách triệt để, đạt hiệu quả, nước ta phải thay đổi nội dung của Luật chứ không phải thủ tục. Việc thay đổi thủ tục hành chính như hiện nay chỉ là vấn đề về phần ngọn, không phải vấn đề gốc. Nếu chỉ cắt ngọn thì thời gian sau ngọn lại mọc ra, lại tiếp tục hình thành rào cản mới.

Theo ông Cung, để khắc phục bất cập trên, giải pháp trước mắt là vẫn tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ thủ tục kinh doanh, thu hẹp danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Về giải pháp điều hành, phải quy định rõ Bộ nào, ai soạn ra những quy định tạo rào cản cho doanh nghiệp thì phải cách chức người soạn thảo.

“Trước mắt phải làm được điều này thì sau đó, chúng ta mới bắt đầu tính đến chuyện dài hạn hơn. Thay đổi được căn bản trước mắt thì sẽ thay đổi được dài hạn. Ngoài ra chúng ta cũng cần chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đừng cấm những gì mới. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy, thì những thứ mới xuất hiện là có xu hướng không cho họ làm, vì không có quy định. Những người lãnh đạo cấp cao phải có sự thay đổi căn bản về tư duy trong cách thức quản lý thì mới có thể triển khai được” – TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Thanh Trúc