Giới chuyên gia: Nỗ lực của Trump sử dụng đồng đô la Hồng Kông chống lại Trung Quốc sẽ gây phản tác dụng

Các nhà kinh tế cho rằng những nỗ lực nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của đồng đô la Hồng Kông vào đồng bạc xanh của Hoa Kỳ có thể sẽ gây tác dụng ngược và gây hại nhiều hơn là có lợi.

Ý tưởng này đã được một số cố vấn đưa ra cho Tổng thống Trump, theo một báo cáo của Bloomberg, như một cách để trừng phạt Bắc Kinh vì đã thông qua luật an ninh quốc gia Hồng Kông đi ngược lại với nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”.

Marc Chandler, chiến lược gia thị trường tại công ty giao dịch thị trường vốn Bannockburn Global Forex, nói với FOX Business: Những hậu quả không lường trước có thể nghiêm trọng và tôi không nghĩ rằng nó nhất thiết phải gây hiệu quả như vậy.

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông, được thành lập năm 1983, cho biết đồng đô la Hồng Kông sẽ giao dịch trong một dải từ 7,75 đến 7,85 so với 1 đô la Mỹ.

Ngân hàng trung ương trên thực tế mua hoặc bán loại tiền này để bảo vệ giới hạn giao dịch đó, và đã vượt qua nhiều âm mưu nhằm phá vỡ nó trong những năm qua.

Gần đây nhất, đồng tiền này đã chịu áp lực trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khi một số loại tiền tệ, bao gồm đồng baht của Thái Lan và đồng ringgit của Malaysia, bị mất giá.

Đồng đô la Hồng Kông vẫn “khá mạnh” vì hai lý do, theo Chandler. Một là Cơ quan tiền tệ Hồng Kông duy trì mức lãi suất cao hơn một chút so với Hoa Kỳ; một điều nữa là các nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục và các nơi khác đã nắm bắt cổ phần của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch địa phương của Hồng Kông, thúc đẩy giá trị của đồng tiền này.

Ngân hàng trung ương trên thực tế đã chi 13,5 tỷ USD trong năm nay trong nỗ lực kiềm chế sức mạnh đô la Hồng Kông sau khi mua 1,7 tỷ USD tiền tệ của Hoa Kỳ – bán 13,4 tỷ đô la Hồng Kông – vào thứ Năm, theo Bloomberg.
Cũng như trong quá khứ, bất kỳ nỗ lực nào để phá vỡ giới hạn đó sẽ rất khó khăn.

Sri Kumar, chủ tịch của công ty tư vấn Sri Kumar Global Strategies có trụ sở tại Santa Monica cho biết, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông đang tích trữ số lượng dự trữ ngoại tệ gấp đôi. Do đó, ngay cả khi các nhà đầu cơ sử dụng toàn bộ nguồn cung tiền để mua USD, đẩy đô la Hồng Kông vào thế yếu nhất, thì cơ quan tiền tệ của họ vẫn có đủ dự trữ để can thiệp và hỗ trợ tiền tệ, ông nói.Kumar cho biết, 3,1 nghìn tỷ USD khác đang gửi tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nơi mà Bắc Kinh có thể sử dụng để giúp đỡ Hồng Kông trong trường hợp bị tấn công tiền tệ từ Hoa Kỳ hoặc Châu Âu, Kumar nói.

Hồng Kông sau đó có thể trả lại ngân hàng trung ương Trung Quốc một khi mối đe dọa được dập tắt. Một động thái thứ hai mà chính quyền có thể thực hiện để cố gắng phá vỡ dải tiền tệ của Hồng Kông đó là hạn chế quyền truy cập của các ngân hàng Hồng Kông vào đồng USD, cấm các ngân hàng Hoa Kỳ giao dịch với họ.

Theo ông Kumar, làm như vậy sẽ gây áp lực lên Hồng Kông và tác động đến giá cổ phiếu, nhưng sẽ rất khác so với sự sụp đổ của thước đo định giá giữa đồng USD và đô la Hồng Kông.

Nếu các thị trường tin rằng những nỗ lực của Hoa Kỳ để gây hại cho thước đo định giá có thể thành công, thì đó sẽ là điều “rất tiêu cực đối với thị trường toàn cầu” bởi vì Hồng Kông là một trung tâm tài chính lớn, theo Kumar.

Ông nói: “Nếu bạn sẽ ảnh hưởng đến tiền tệ ở một nơi như vậy, nó sẽ có tác động đến cổ phiếu của Hoa Kỳ, chứng khoán châu Âu và lợi tức Kho bạc. Và châu Âu sẽ phải suy nghĩ về việc liệu có đáng phải chịu hậu quả bất lợi ở Hoa Kỳ để làm tổn thương chính quyền Hồng Kông hay không.”

Minh Anh