Giảm giá điện khi các chi phí đầu vào làm giá bán bình quân thấp hơn từ 1%
Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý của Bộ Công Thương tại dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được cơ quan này đưa ra lấy ý kiến
Theo Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kể từ ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân được áp dụng là 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Với quy định hiện hành tại Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ năm 2017 đến nay, EVN được điều chỉnh giá điện nếu giá bán lẻ bình quân tăng từ 3% do các thông số đầu vào các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý… tăng. Ngược lại, trường hợp khi thông số đầu vào biến động làm cho giá bán điện bình quân giảm so với mức hiện hành thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm. Khi mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.
Tuy nhiên tại dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017, Bộ Công Thương đề xuất giá bán lẻ điện bình quân sẽ có tăng, giảm với biên độ cụ thể hơn. Theo đó EVN sẽ tính toán giá bán điện bình quân trên cơ sở kế hoạch cung cấp, vận hành hệ thống điện và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn này.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được quyền điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Tập đoàn sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên trong trường hợp các thông số đầu vào các khâu làm giá bán điện bình quân thấp hơn từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN cũng phải có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN sẽ phải lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5 đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo, và nếu được Bộ Công Thương chấp thuận thì sẽ tăng giá. Còn trong trường hợp mức tăng giá bán lẻ bình quân trên 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến. Thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng
Cùng với điều chỉnh giá điện bình quân, dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 cũng đưa ra các quy định về kiểm tra, giám sát các chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN chặt chẽ hơn như chi phí thực tế ở các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ – điều hành và các chi phí khác; kết quả kinh doanh lỗ, lãi của EVN; chi phí chưa được tính vào giá điện, chưa được tính vào giá thành. Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ kiểm tra việc điều chỉnh tăng, giảm giá điện. Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, EVN sẽ phải dừng hoặc điều chỉnh lại giá bán.
Theo ý kiến của các chuyên gia, suốt 7 năm qua cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi đã dần bộc lộ những hạn chế nhất định, nhất là cơ cấu điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào, đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện. “Để khắc phục những bất cập này, yêu cầu đặt ra là cần điều chỉnh giá bán lẻ bình quân một cách kịp thời hơn, cần một cơ chế điều chỉnh giá để mang tín hiệu thị trường. Làm được vậy chúng ta mới có thể nghĩ tới thị trường bán lẻ cạnh tranh”, PGS. TS Bùi Xuân Hồi – Hiệu trưởng Cao đẳng Điện lực miền Bắc nhấn mạnh
Vũ Anh