Các tổ chức tài chính lớn đồng loạt hạ dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống còn 5,8%. Trước đó trong báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo trong năm 2023-2024” được ADB công bố hồi đầu tháng 4 tại Hà Nội, ngân hàng này đã hết sức lạc quan khi đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 có thể đạt mức 6,5% như Chính phủ đã đề ra.

Về lý do hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, ADB căn cứ vào đánh giá những rủi ro bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhất là sức ép nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh những tháng gần đây trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo. Tương tự, ADB cũng hạ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 từ 6,8% xuống còn 6,2%. Lạm phát được dự báo chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024.

Cũng như ADB, ngay sau khi Việt Nam công bố số liệu thống kê kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, nhiều tổ chức tài chính khác cũng lần lượt hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Động thái này cũng phần nào cho thấy mục tiêu GDP tăng 6,5% của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Theo đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống còn 4,7% (giảm tới 1,1% so với công bố trước đó); tương tự Ngân hàng UOB hạ xuống còn 5,2% (giảm 0,8% so với công bố hồi đầu năm) đều với lý do là nửa đầu năm nay nền kinh tế chịu áp lực lớn từ tổng cầu bên ngoài giảm mạnh, từ đó tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu.

Xét ra toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ADB duy trì triển vọng tăng trưởng ở mức 4,8% xuất phát từ sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nội địa những tháng đầu năm tạo động lực cho sự phục hồi trong cả năm 2023. Dự kiến lạm phát cũng sẽ giảm còn khoảng 3,6%, thay vì 4,2% như hồi tháng 4.

Đặc biệt việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng trở thành động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn khu vực. Trong năm nay dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng 5%, không thay đổi so với nhận định hồi tháng 4.

Tuy nhiên nút thắt hiện nay là chính sách thắt chặt tiền tệ đã kéo giảm hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế phát triển chủ đạo trong khu vực, khiến nhu cầu xuất khẩu hàng điện tử và các hàng hóa chế tạo khác tại châu Á – Thái Bình Dương cũng dần chậm lại. Chính vì vậy dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này trong năm 2024 cũng được điều chỉnh còn 4,7%, giảm nhẹ xuống 0,1% so với trước đó.

Hoàng Anh