Giải mã sức hút của Bà Rịa – Vũng Tàu – “Ngôi sao mới nổi” trong CLB thu ngân sách 100.000 tỷ đồng

2022 là năm đầu tiên tổng thu ngân sách của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chạm mốc 110.000 tỷ đồng (tăng 25,2% so cùng kỳ) và là một trong số ít các địa phương có số thu cao trong nhóm CLB thu ngân sách đạt tới 100.000 tỷ đồng.

Báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh cho biết tính đến hết tháng 11/2022, tỉnh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn ước đạt 390.293 tỷ đồng, tăng 7,15% so cùng kỳ. Lần đầu tiên, thu ngân sách của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chạm mốc gần 110.000 tỷ đồng, tăng 25,2% so cùng kỳ, và là một trong số ít các địa phương có số thu cao trong nhóm câu lạc bộ thu ngân sách đạt tới 100.000 tỷ đồng năm 2022.

Năm 2022 các ngành kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Một số hoạt động kinh tế đạt kết quả nổi bật như: Giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 10,47%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 6,32%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 127,94%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 137,37% so cùng kỳ. Hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký quy đổi trên 2 tỷ USD. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với 1.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 596 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Theo các chuyên gia, lợi thế về cảng biển nước sâu, phát triển công nghiệp, du lịch, hạ tầng giao thông thuận lợi cùng với sự phát triển năng động của cả khu vực Đông Nam Bộ là những điều kiện quan trọng để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là địa phương có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất, chiếm 93,29% trữ lượng cả nước (khoảng 400 triệu m3); trữ lượng dầu khí khoảng trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% trữ lượng khí cả nước. Hiện nơi đây đang là một trong những trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam với các mỏ lớn như Bạch Hổ, Hồng Ngọc, Rạng Đông. Sau nhiều năm phát triển, công nghiệp dầu khí đã có tác động không nhỏ làm thay đổi cơ sở hạ tầng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Không chỉ là trung tâm công nghiệp dầu khí hiện đại, Bà Rịa – Vũng Tàu còn là một trong những trung tâm kinh tế biển – logistics hàng đầu cả nước với 48 cảng đang hoạt động. Riêng hệ thống cụm cảng Cái Mép – Thị Vải – cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam có tổng cộng 22 cảng, trong đó có 7 cảng container, 20 dự án kho bãi logistics được triển khai trên diện tích 224ha. Tháng 10/2020, cảng Cái Mép – Thị Vải đã đón tàu có trọng tải trên 214.000 tấn, trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn.

Trong lĩnh vực thủy sản, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua khai thác thủy sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Việc khai thác tiếp tục chuyển theo hướng đánh bắt xa bờ trên các vùng biển xa. 8 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 250.000 tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ, đạt 69,8% kế hoạch; trong đó sản lượng khai thác của các loại nghề lưới rê, vây, câu mực tăng, nhất là nhóm đối tượng có giá trị kinh tế như họcá thu, cá ngừ, cá cờ, mực ống, bạch tuộc,…

Hạ tầng giao thông cũng là một trong những lĩnh vực được quan tâm phát triển mạnh mẽ, đưa Bà Rịa-Vũng Tàu vào nhóm các tỉnh, thành có hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ nhất cả nước. Từ chỗ hệ thống giao thông chỉ khoảng 1.000 km, chủ yếu là đường nhỏ hẹp, trải đá dăm và cấp phối… đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành khung kết cấu chung với tổng chiều dài hơn 4.380km. Với chỉ hơn 100km đường nhựa trước đây, đến nay tỉnh đã có gần 2.700km đường trải nhựa hoặc bêtông nhựa, tăng gấp 25 lần, đáp ứng cơ bản việc lưu thông trong tỉnh.

Nhiều tuyến đường có quy mô hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng góp phần khơi dậy những tiềm năng to lớn, tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế – xã hội và sự nghiệp CNH – HĐH của tỉnh nhà. Đặc biệt nhiều đường giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải với Quốc lộ 51 như đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải, đường 991B, Phước Hòa-Cái Mép được đầu tư kết nối đồng bộ hành lang tuyến kinh tế ven biển. Nhờ thuận lợi về giao thông kết nối, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu càng có lợi thế thu hút nguồn hàng về Cái Mép-Thị Vải, phục vụ tối đa hoạt động xuất nhập khẩu giữa hệ thống cảng biển của tỉnh với Tp.HCM, ĐBSCL và khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đang được thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu như: đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An, đường 991B, đường Vành đai 4 Tp.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh… Con đường giao thông huyết mạch – tỉnh lộ 994, dài 78 km chạy ven biển Vũng Tàu – Bình Châu sẽ được nâng cấp lên 6 làn xe với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, Khi hoàn thành, con đường này sẽ phục vụ phát triển du lịch phía Đông và kết nối vận tải liên tỉnh.

Ngoài ra, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng đang được đề xuất đầu tư công với tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng. Toàn tuyến có chiều dài 53,7 km, với điểm đầu tại tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP Biên Hoà (Đồng Nai), điểm cuối giao với Quốc lộ 56 thuộc Tp.Bà Rịa. Khi hoàn thành, dự án không chỉ giải tỏa áp lực cho Quốc lộ 51 mà còn đóng vai trò lớn trong việc kết nối với sân bay Long Thành, tạo đà phát triển cho Bà Rịa – Vũng Tàu.

Loạt hạ tầng trọng điểm kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu và các địa phương đang được triển khai đã tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản tại đây trở nên sôi động, tập trung nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 132 dự án du lịch đang triển khai với tổng diện tích 2.973 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 42.000 tỷ đồng và hơn 9,1 tỷ USD. Các dự án phân bố chủ yếu trên tuyến ven biển Tp.Vũng Tàu, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo. Trong đó, nhiều resort, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao hoạt động hiệu quả như: The Grand Hồ Tràm resort & casino, Sanctuary Hồ Tràm, Sixsenses Côn Đảo, Marina Bay Vũng Tàu…

Mỗi năm lượng du khách đến tỉnh vào khoảng 15- 16 triệu lượt, trong đó khách lưu trú trên 3 triệu lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch (từ các cơ sở lưu trú) đạt bình quân trên 5.000 tỷ đồng/năm. Tp.Vũng Tàu cũng đứng thứ 8 trong 10 địa điểm du lịch Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất năm 2021.

Bên cạnh nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao, trong thời gian tới Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung giải quyết, tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai các dự án du lịch; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tạo không gian khai thác tối đa tuyến ven biển và khu vực phụ cận để phát triển các loại hình du lịch biển cao cấp như: lặn biển, câu cá, ngắm san hô, nghỉ dưỡng…; đầu tư cho công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, để du lịch thật sự trở thành 1 trong 4 trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh nhà.

Huyền Vân