Giải mã mối liên kết bất ngờ giữa thảm họa cháy rừng Amazon và thương chiến Mỹ – Trung

Hiện nay cả thế giới đang đổ dồn vào hai tâm điểm: thảm họa cháy rừng nhiệt đới Amazon và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Hai sự kiện “nóng” này tưởng chừng tách biệt với nhau song nếu đi vào phân tích cụ thể, chúng ta sẽ tìm thấy được mối dây liên kết chặt chẽ đến bất ngờ…

Trong cuộc chiến thương mại khốc liệt, để đáp trả đòn thuế quan của Mỹ, Bắc Kinh dừng hẳn việc nhập khẩu đậu nành từ Mỹ (30 – 40 triệu tấn mỗi năm) và chuyển hướng sang nhập khẩu đậu nành Brazil để thay thế. Điều này khiến Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn bao giờ hết vào việc nhập đậu nành từ Brazil.

Kể từ tháng 4/2018 đến nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 71 triệu tấn đậu nành từ Brazil, tương đương với lượng nhập khẩu đậu nành của toàn thế giới vào năm 2014. Điều này đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ vốn đầu tư vào ngành trồng trọt của Brazil. Nắm bắt cơ hội ngàn năm có một này, các công ty kinh doanh nông sản lớn như Nutrien Ltd, Mosaic Co. đã chuyển trọng tâm sang khu vực Nam Mỹ nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu nhập khẩu lớn cũng như chiến lược đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh sự phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm từ Mỹ của Bắc Kinh

Nếu phân tích sâu hơn, có thể thấy điều này đang tác động trực tiếp đến rừng mưa nhiệt đới Amazon khi phần lớn đậu nành Brazil đều được trồng tại các vùng thảo nguyên rộng lớn ở phía Nam và Đông của Amazon. Đầu tư nông nghiệp đã tập trung vào việc chuyển đổi đất đai vốn được sử dụng để chăn nuôi gia súc thành đất trồng cây, đơn cử như đậu nành. Quá trình đó có thể dẫn tới việc mở rộng rất lớn quy mô đất trồng trọt mà không cần chạm vào Amazon.

Tuy nhiên chúng ta cần thấy rõ Brazil cũng chỉ có một vùng đất hữu hạn và nếu bạn cố bóp một trái bóng bay ở nơi này, nó có nguy cơ phát nổ ở một nơi khác. Điều đó có nghĩa là các chủ trang trại chăn nuôi bị đuổi ra khỏi Cerrado phải tìm kiếm các đồng cỏ mới cho đàn gia súc trong khu rừng nhiệt đới. Do đó, những đám cháy tại Amazon là một hệ quả tất yếu của quá trình này.

Mặc dù sự suy giảm diện tích rừng mưa nguyên sinh tại Brazil đã dừng lại trong khoảng 10 năm qua song rừng thứ sinh thì từng ngày, từng giờ vẫn đang bị biến thành đất nông nghiệp. Tuy nhiên ngay cả khi các hoạt động nông nghiệp tránh xa Amazon thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng ảnh hưởng xấu đến bầu khí quyển. Có thể thấy đồng cỏ Cerrado ở Brazil khá rậm rạp, các chủ chăn có thể chăn nuôi gia súc bên dưới những tán cây. Tuy nhiên việc chuyển đổi sang cây trồng hàng hóa đòi hỏi phải nhổ bỏ những thân cây cao lớn đó, khiến việc cô lập carbon trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, khi đồng cỏ bị dẫm đạp bởi vật nuôi tỏ ra khá hiệu quả trong việc lưu giữ lượng carbon trong đất, nhưng khi những cánh đồng cỏ được trồng trọt, cày xới hàng năm thì một lượng lớn carbon trong đất đã thoát ra ngoài khí quyển.

Khó có thể nói chính xác ai là người chịu trách nhiệm chính cho sự gia tăng các vụ hỏa hoạn tại các khu rừng Brazil trong năm qua với tỷ lệ tăng lên đến 84%. Trong đó hơn một nửa số vụ đã xảy ra ở Amazon, 30% khác ở Cerrado và phần lớn còn lại trong khu rừng ven biển Đại Tây Dương.

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt đậu nành của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng nạn phá rừng ở Brazil. Mặt khác Trung Quốc có xu hướng trở thành một đối tác thương mại lớn với những mối quan tâm hàng đầu về an ninh lương thực của mình, bất chấp những mối lo ngại khác. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đang “gạ gẫm” Brazil với những điều khoản bất thường để nhận được cái gật đầu từ phía chính quyền Tổng thống Bolsonaro. Triển vọng về một nguồn ngoại hối phong phú từ Trung Quốc rất có thể sẽ khiến ông Bolsonaro bỏ qua những lo lắng về đất đai của đất nước mình và bắt tay với Trung Quốc

Đây thực sự sẽ là một kết quả đầy bất ngờ đối với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thất bại trong việc xanh hóa ngành điện và ngành công nghiệp ô tô nội địa song cuộc chiến thương mại với Trung Quốc buộc Washington phải bắt tay vào một công cụ kích thích công nghiệp sử dụng nhiều carbon hơn trong năm 2018 và giờ đây có thể khiến Brazil phải chặt phá thêm rừng. Hậu quả khủng khiếp nhất mà chính quyền Tổng thống Donald Trump để lại có thể không đến từ chính sách năng lượng mà đến từ chính sách thương mại.

Kim Phương