Giá vàng sụt giảm mạnh sau khi lập đỉnh

Cập nhật thị trường, giá vàng đã được điều chỉnh giảm mạnh trong phiên mở cửa ngày 25/2. Giá vàng tại SJC đã điều chỉnh giảm 1,3 triệu đồng chiều mua vào và 1,2 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước, về mức 46,5-47,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng tại DOJI cũng giảm mạnh về mức 46,6-47,6 triệu đồng/lượng, tại Bảo Tín Minh Châu còn 47,39-48,69 triệu đồng/lượng.

Sau khi lập đỉnh, giá vàng hôm nay 25/2 đã giảm mạnh ở mức hơn 1 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, sau khi tăng vọt bất thường, giá vàng thế giới lao dốc không phanh ngay trong đêm qua 24/2. Cụ thể, đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã giảm mạnh từ ngưỡng 1.680 USD về ngưỡng 1.660 USD và chốt phiên ở mức này trên thị trường Mỹ. Theo các chuyên gia, năm 2019 giá vàng tăng mạnh, thế giới khoảng 15%, Việt Nam khoảng 16%, chủ yếu do lo ngại từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Bước sang năm 2020, rủi ro mới xuất hiện là dịch bệnh COVID-19 khiến cho giá vàng biến động khá mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, diễn biến của giá vàng vẫn là một kịch bản khó lường đoán, chính vì thế người dân phải bình tĩnh theo dõi đánh giá để tránh thiệt hại.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TPHCM đã đưa ra một số phân tích.

Thời gian gần đây, có một số thời điểm giá vàng trong nước biến động tăng theo giá vàng thế giới. Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng một phần là do lo ngại về dịch bệnh COVID-19 gây sức ép đến nền kinh tế toàn cầu. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán dao động trong khoảng từ 300.000 – 500.000 đồng/lượng trong những ngày qua cho thấy sức mua, bán vàng của thị trường vàng đã yếu và người dân không còn mặn mà với vàng. Theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng, trong tuần từ 17-22/2, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm.

Trên thị trường trong nước, giao dịch mua, bán vàng miếng vẫn diễn ra bình thường. Giá vàng trong nước bám sát và nhiều thời điểm thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi. Với việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát. Trong bối cảnh này, cơ quan điều hành sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết.

Minh Anh