Giá LNG giao ngay tăng vọt gấp 18 lần, các nhà sản xuất hưởng lợi lớn

Thời tiết mùa Đông lạnh giá cộng với nguồn cung bị thắt chặt, thiếu hụt tàu vận chuyển… đã đẩy giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại khu vực châu Á tăng vọt. Trong vòng chưa đầy 9 tháng, chỉ số giá cơ bản trên thị trường Bắc Á đã tăng gấp 18 lần – vượt qua cả tốc độ tăng trưởng của đồng Bitcoin.

Giá LNG tăng mạnh đem lại lợi nhuận khủng cho nhiều doanh nghiệp, nổi bật có thể kể đến Exxon Mobil khi công ty này vừa xuất bán 1 lô LNG cho một công ty Nhật Bản với mức giá kỷ lục 130 triệu USD vào tuần trước. Không thua kém, Total cũng thu về 126 triệu USD trong một thương vụ làm ăn với Công ty Thương mại Trafigura Group. Tận dụng cơ hội vàng này, Royal Dutch Shell, Cheniere Energy… cũng đang xúc tiến việc xuất đi những lô hàng không bị ràng buộc bởi các hợp đồng cung ứng dài hạn.

Không chỉ các doanh nghiệp dầu mỏ mà các chủ tàu chuyên vận chuyển LNG cũng đang được hưởng lợi từ mức cước cao kỷ lục.

Theo các chuyên gia, đà tăng trưởng lần này đánh dấu bước chuyển biến lớn mang tính cách mạng của thị trường LNG toàn cầu. Mặc dù LNG đã được thương mại hóa hàng chục năm nay song chỉ vài năm trở đây khối lượng LNG được vận chuyển bằng đường biển mới tăng mạnh, xuất phát từ sự bùng nổ nhu cầu năng lượng ở châu Á cũng như chủ trương hạn chế tiêu thụ than đá tại các quốc gia trong khu vực.

Giá LNG tăng cũng mở ra lối thoát cho các nhà sản xuất sau nhiều năm thị trường ảm đạm vì khí hậu không quá lạnh và nguồn cung dồi dào. Nếu như hồi tháng 4/2020, giá LNG giao ngay ở Bắc Á giảm xuống gần 0 thì ở thời điểm hiện tại, giá LNG đã tăng lên trên mức 30 USD/mmBTU (đơn vị nhiệt lượng Anh, tương đương 28,3m3), cao nhất kể từ 2009.

Tương tự khí đốt, thời tiết băng giá bao trùm trên khắp châu Á đã khiến giá LNG tăng cao kỷ lục và đẩy chi phí vận chuyển nhiên liệu trên toàn cầu tăng theo do người mua phải chật vật tìm nguồn cung giữa bối cảnh dự trữ khí gas dần cạn kiệt và thiếu hụt tàu vận chuyển

Nhu cầu LNP tăng vọt cũng khiến kênh đào Panama bị tắc nghẽn buộc các tàu lớn của Mỹ phải chọn kênh đào Suez hoặc Mũi Hảo Vọng để tránh đi qua Panama, bất chấp những cung đường này xa hơn và tốn thời gian, chi phí nhiều hơn. Vì thiếu tàu nên giá cước vận chuyển cũng đã tăng vọt lên mức kỷ lục – 350.000 USD/ngày.

Theo chuyên gia David Thomas, mặc dù trước đó đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu LNG sẽ tăng vọt trong mùa đông năm nay song chẳng ai ngờ được lại có nhiều yếu tố cộng hưởng đẩy giá LNG tăng mạnh như hiện nay.

Tất nhiên giá LNG giao ngay chỉ là một phần rất nhỏ của thị trường, hầu hết các giao dịch đều dựa trên những hợp đồng dài hạn được neo vào giá dầu thô. Tuy nhiên xét trên bình diện chung có thể thấy trong tình hình hiện nay, các nhà sản xuất trữ sẵn lượng lớn hàng hóa sẽ được hưởng lợi, điển hình như: dự án Yamal ở Nga; Nhà máy Sakhalin-2 của Gazprom; Qatar – nước sản xuất LNG lớn nhất và rẻ nhất thế giới; các nhà sản xuất của Australia (Woodside Petroleum, Oil Search…)

Ngoài ra thị trường LNG biến động cũng mang lại cơ hội làm giàu cho các công ty thương mại bởi họ không chỉ ăn chênh lệch về giá mà còn có thể tận dụng yếu tố địa lý để đưa LNG đến các thị trường tiêu thụ tiềm năng nhất. Đúng như khẳng định của lãnh đạo Trafigura – ông Richard Holtum: “Thế giới không thiếu LNG, chỉ là những con tàu chuyên chở LNG không ở đúng chỗ mà thôi”.

Minh Hoàng