Giá bất động sản tại các nước giàu tiếp tục đà giảm

Sau thời kỳ bùng nổ giá nhà, thị trường bất động sản tại các nước giàu đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi các ngân hàng trung ương bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh nhất trong vòng bốn thập kỷ trở lại đây.

Trong năm qua doanh số bán nhà tại các nền kinh tế tiên tiến từ Mỹ đến New Zealand đã có sự sụt giảm, giá nhà cũng đã chệch hướng kỳ vọng của người sở hữu khi phần lớn ngân hàng trung ương tăng lãi suất chậm lại. Tháng 3 vừa qua, cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều đồng loạt tăng lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm.

Sự kiên cường của nền kinh tế thế giới trước sức ép của chính sách thắt chặt tiền tệ đã mang lại niềm hy vọng cho các nhà đầu tư và các chủ nhà rằng giá nhà có thể sớm chạm đáy, đồng nghĩa với khó khăn trên thị trường bất động sản sẽ ít hơn dự kiến. Tuy nhiên sự lạc quan này dường như hơi sớm bởi việc lãi suất tăng cần thời gian để tác động đến thị trường bất động sản. Có thể thấy các khoản vay mua nhà thường có lãi suất cố định ở một số thị trường nhưng thời gian cũng tương đối ngắn; trong khi đó tiết kiệm dư thừa được tích lũy trong đại dịch đang vơi dần khiến diễn biến giá nhà trở nên khó đoán.

Dự báo về giá nhà sắp tới, The Economist cho rằng sẽ có 3 xu hướng diễn ra ở các nước giàu. Nhóm đầu tiên là tại các nước có giá nhà tiếp tục lao dốc như Australia, Canada, New Zealand, Thụy Điển; khi các ngân hàng trung ương đã nhanh chóng phản ứng với lạm phát.

Theo OECD, so với mức đỉnh, giá nhà ở Thụy Điển, New Zealand hiện đã giảm 14%, giá nhà ở Australia giảm 19%. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Australia không tăng lãi suất cho đến tháng 5 song các hộ gia đình nước này đã bước vào giai đoạn ngập nợ. Goldman Sachs dự báo trong thời gian tới giá nhà tại nhóm các quốc gia này sẽ tiếp tục giảm sâu so với đỉnh, trong đó giá nhà tại New Zealand giảm 19%, Thụy Điển giảm 17% và Australia giảm 15%.

Nhóm thứ hai là các quốc gia có thể thoát khỏi thiệt hại, nổi bật nhất là Mỹ và Pháp. Cụ thể tại Mỹ, lãi suất vay mua nhà thường cố định 20-30 năm, giúp người mua thoát khỏi cảnh tăng lãi suất. Sau cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn vào năm 2007, cơ quan quản lý Mỹ bắt đầu triển khai chính sách lãi cố định để qua đó vừa giảm rủi ro vỡ nợ cho người vay vừa giúp hệ thống ngân hàng tránh được rủi ro. Do đó Goldman Sach dự báo giá nhà ở Mỹ sẽ chỉ giảm 5% so với đỉnh.

Còn tại Pháp, dự báo giá nhà sẽ chỉ giảm 4% so với đỉnh do nước này được hưởng lợi từ nợ hộ gia đình thấp, trung bình chỉ bằng 124% thu nhập khả dụng ròng vào năm 2021.

Nhóm thứ ba là những quốc gia chưa bị ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng chưa hết khó khăn, đại diện bởi Anh và các nước châu Âu khác. Cụ thể tại Anh, mặc dù giá nhà hiện tại chỉ giảm 5% nhưng điều tồi tệ hơn có thể xảy ra. Capital Economics dự báo trong thời gian tới giá nhà tại xứ sở sương mù có thể giảm tới 12% so với đỉnh.

Với các nước châu Âu khác, cụ thể là Đức, Liên đoàn Bất động sản nước này dự đoán trong năm nay chỉ có 245.000 căn hộ được hoàn thành, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 400.000 căn của Chính phủ.

Giá nhà sụt giảm ở các nước giàu phần lớn là do lãi suất tăng cao nên chúng khó có thể khiến bất động sản trở nên hợp túi tiền hơn. Những người muốn sở hữu nhà đều phải oằn lưng gánh chịu các khoản vay mua hàng tháng đắt đỏ.

Còn tại Canada – một trong những quốc gia điều chỉnh sớm giá nhà, người dân bình thường cần chi gần 70% thu nhập hộ gia đình (trước thuế) cho các khoản thanh toán tiền vay mua nhà, thuế bất động sản và hóa đơn tiện ích. Con số này tăng 24% so với đầu năm 2020 (46%). Khoảng thời gian này, giá nhà giảm khiến cả chủ sở hữu lẫn người mua đều không mấy phấn khởi…

Nguyệt Anh