GDP (PPP) của Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN, thứ 12 châu Á và thứ 25 thế giới
Năm 2021, Việt Nam là nước có GDP đầu người theo sức mua tương đương (gọi tắt GDP (PPP) đạt 1.141 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khối ASEAN, xếp thứ 12 ở khu vực châu Á và xếp thứ 25 trên thế giới.
Nếu xét ở phạm vi toàn cầu thì Mỹ là quốc gia có GDP danh nghĩa lớn nhất thế giới; theo sau là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Ấn Độ, Pháp, Ý, Canada và Hàn Quốc.
Như đã biết, GDP danh nghĩa là chỉ số đánh giá sản xuất kinh tế trong một nền kinh tế; tuy nhiên để phản ánh chính xác hơn chất lượng đời sống của người dân cũng như sự phát triển của một quốc gia, các tổ chức quốc tế thường dựa vào GDP (PPP) để đánh giá. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2021 top 10 nền kinh tế có GDP (PPP) lớn nhất thế giới chiếm tới 61,34% GDP (PPP) toàn cầu. Nếu so với top 10 nền kinh tế có GDP danh nghĩa lớn nhất thế giới thì top 10 nền kinh tế có GDP (PPP) lớn nhất có sự khác biệt rõ rệt.
Đơn cử như Ý, Canada và Hàn Quốc là 3 quốc gia nằm trong top 10 nền kinh tế có GDP danh nghĩa lớn nhất thế giới nhưng lại không có mặt trong top 10 nền kinh tế có GDP (PPP) lớn nhất. Cụ thể Ý đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng GDP (PPP) toàn cầu, Canada ở hạng 15 và Hàn Quốc hạng 14.
Trong khi đó 3 nước Nga, Indonesia và Brazil dù không lọt top 10 nền kinh tế có GDP danh nghĩa lớn nhất thế giới nhưng lại có mặt trong top 10 nền kinh tế có GDP (PPP) lớn nhất. Trong đó Nga đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng GDP danh nghĩa, Indonesia ở hạng 16 và Brazil hạng 12.
Trong các nước thuộc khối ASEAN, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Singapore là 6 quốc gia có mặt trong top 50 nền kinh tế có GDP (PPP) lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, Indonesia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt top 10 nền kinh tế có GDP (PPP) lớn nhất thế giới (xếp thứ 7); còn Thái Lan xếp hạng 22, Việt Nam hạng 25, Philippines hạng 29, Malaysia hạng 30 và Singapore hạng 38.
Nếu xét ở phạm vi châu Á thì Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia lọt top 15 nền kinh tế có GDP (PPP) lớn nhất châu Á. Theo đó, nước có xếp hạng cao nhất là Indonesia, xếp thứ 4 trong các quốc gia có GDP (PPP) lớn nhất châu Á; theo sau là Thái Lan xếp thứ 9, Việt Nam xếp thứ 12, Philippines xếp thứ 13 và Malaysia xếp thứ 14.
Nếu xét ở phạm vi khu vực ASEAN thì Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia nằm trong top 5 nền kinh tế có GDP (PPP) lớn nhất khu vực, trong đó Indonesia có quy mô GDP (PPP) đạt 3.530 tỷ USD, dẫn đầu các nước trong khu vực; xếp ở vị trí thứ 2 là Thái Lan với quy mô GDP (PPP) đạt 1.331 tỷ USD; ở vị trí thứ 3 là Việt Nam với quy mô GDP (PPP) đạt 1.141 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Philippines với quy mô GDP (PPP) đạt 983 tỷ USD, Malaysia 969 tỷ USD, Singapore 615 tỷ USD, Myanmar 237 tỷ USD, Campuchia 78 tỷ USD, Lào 62 tỷ USD và Brunei 30 tỷ USD.
So với năm 2020, GDP (PPP) của Việt Nam đã tăng 79,82 tỷ USD. Indonesia là nước duy nhất có mức tăng cao hơn Việt Nam khi GDP (PPP) tăng 228 tỷ USD. Trong khi đó, các quốc gia khác có sự cải thiện nhưng chậm hơn như: Malaysia (tăng 65,33 tỷ USD), Philippines (tăng 63,82 tỷ USD), Thái Lan (tăng 58,5 tỷ USD), Singapore (tăng 55,17 tỷ USD), Campuchia (tăng 4,14 tỷ USD), Lào (tăng 3,38 tỷ USD) và Brunei (tăng 1,62 tỷ USD). Chỉ có Myanmar có GDP (PPP) giảm 41,77 tỷ USD.
Nguyễn Anh