G7 ra Tuyên bố chung, cam kết chống lại sự ép buộc kinh tế

Tại cuộc họp ngày 20/5 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Hiroshima (Nhật Bản), các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thiết lập một cơ chế mới có tên Nền tảng hợp tác G7 về áp bức kinh tế nhằm ngăn các nước sử dụng tầm ảnh hưởng về kinh tế để gây sức ép và can thiệp vào các vấn đề của nước khác. Cơ chế mới được xem như một vũ khí tối ưu của G7 nhằm đối phó với Bắc Kinh.

Lãnh đạo EU và các nước G7 tại Hiroshima ngày 20/5. Ảnh: Reuters

Cụ thể Nền tảng hợp tác G7 về áp bức kinh tế cho phép các nước G7 cùng đứng chung một trận tuyến, cùng phối hợp với nhau để đối phó với các hành vi tiêu cực như: hạn chế thương mại, hạn chế đầu tư, tẩy chay hay các mối đe dọa như tấn công mạng. Tuy nhiên cơ chế này không đồng nghĩa G7 được phép phản ứng tự động khi đối phó với các hành vi tiêu cực mà tập trung vào việc cảnh báo sớm và chia sẻ thông tin nhanh chóng về các hành vi ép buộc kinh tế. “Chúng tôi sẽ hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng các nỗ lực vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế bằng cách ép buộc các thành viên G7 cũng như các đối tác của chúng tôi sẽ thất bại và phải đối mặt với hậu quả” – Tuyên bố chung của G7 nêu rõ

Ngoài ra Tuyên bố cũng khẳng định quyết tâm của các nước G7 trong nỗ lực chung đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm dần sự phụ thuộc thái quá vào các chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Trước đó Bloomberg đưa tin các nước G7 muốn truyền tải thông điệp đến Bắc Kinh thông qua  việc ra mắt một cơ chế chung nhằm chống lại sự ép buộc về kinh tế. “Ngay lúc này đây, chúng ta cần nhận diện một cách rõ ràng, cẩn trọng về những thách thức đang phải đối mặt” – Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh

Cũng theo Bloomberg, mặc dù các nước G7 muốn phối hợp cùng nhau để đối phó với sự bành trướng về kinh tế của Trung Quốc song việc công bố các biện pháp đối phó thực tế lại phức tạp hơn rất nhiều.

Hiện Chủ tịch G7 Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm dần sự phụ thuộc vào Bắc Kinh. Tuy nhiên trong nội bộ các nước thành viên G7 vẫn có sự bất đồng xoay quanh mức độ đối phó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bởi việc hạn chế thương mại với Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến các nước vốn phụ thuộc vào xuất khẩu như Đức, Nhật Bản….

Về phía Trung Quốc vẫn một mực phủ nhận các cáo buộc rằng quốc gia này có những hành vi ép buộc kinh tế. Thậm chí trong một báo cáo về ngoại giao tuần này, Bắc Kinh còn lên tiếng cáo buộc Mỹ bắt nạt các nước khác và phát động các cuộc chiến tranh thương mại.

Nhật Nam