FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt triển khai các biện pháp kích thích nền kinh tế

Đến nay, dịch Covid -19 đã xuất hiện tại 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 163.930 ca nhiễm bệnh và 6.420 ca tử vong; gây thiệt hại khôn lường cho nền kinh tế toàn cầu. Trước tình hình nguy cấp này, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra một loạt các biện pháp kích thích đối với nền kinh tế….

Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh công bố của Cục Dự trữ Liên bang là ‘tin tức quá đỗi phi thường’

Cụ thể FED đã thực hiện hạ lãi suất cơ bản xuống gần như bằng 0, ở mức 0-0,25%; đồng thời thực hiện các biện pháp tăng thanh khoản cho thị trường. Cơ quan này cũng tuyên bố mua tài sản lớn; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0%; cho phép các ngân hàng vay chiết khấu trong 90 ngày và kêu gọi các ngân hàng sử dụng nguồn vốn này để giúp đỡ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid – 19. Ngoài ra, FED còn hợp tác với các ngân hàng trung ương của Nhật Bản, Anh, khu vực đồng Euro, Canada và Thụy Sĩ để đảm bảo đồng USD có sẵn trên toàn thế giới thông qua các đường trao đổi.

Về phía Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết các ngân hàng trung ương chính trên thế giới (Ngân hàng Canada, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản, ECB, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ…) sẽ đổ tiền vào nền kinh tế để giúp chống lại các cú sốc tài chính do đại dịch Covid – 19 gây ra.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng lây lan trên diện rộng, cướp đi 6.420 sinh mạng trên toàn thế giới buộc chính quyền các quốc gia khu vực châu Âu phải thắt chặt kiểm soát hơn nữa.

Hiện Italy là ổ dịch lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc đại lục) và lớn nhất tại châu Âu với 1.809 người tử vong và 24.747 ca nhiễm. Quốc gia này vẫn đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Tòa thánh Vatican đã quyết định hủy bỏ Tuần lễ tưởng niệm Chúa Phục sinh khi các quan chức y tế ở miền Bắc Italy lên tiếng cảnh báo rằng các bệnh viện đều đã chật kín giường bệnh và thiếu máy hô hấp nhân tạo.

Đức Giáo hoàng Phanxicô rời thành phố Vatican, đi bộ để cầu nguyện cho các nạn nhân của đại dịch COVID-19 tại một trong những thánh đường lớn tại Rome.

Không chỉ Italy mà các nước Pháp, Tây Ban Nha cũng đang trở thành “điểm nóng” Covid – 19 tại châu Âu; hàng loạt quán cà phê, cửa hàng và nhà hàng tại các quốc gia này đều phải đóng cửa. Trong đó Tây Ban Nha là ổ dịch lớn thứ 2 tại châu Âu (sau Italy) với 292 người tử vong và 7.845 ca nhiễm.

Quốc gia này cũng đã ban hành lệnh cấm mọi người không được rời khỏi nhà ngoại trừ đi làm, cần chăm sóc y tế hoặc mua thực phẩm.  Trong khi đó Pháp ra lệnh đóng cửa tất cả các doanh nghiệp không cần thiết.

Tại Đức, các trường hợp nhiễm bệnh cũng tăng vọt lên 5.813 ca khiến quốc gia này đi đến quyết định kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới với Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Luxemburg và Đan Mạch. Còn tại Thụy Sĩ, các trường hợp dương tính với Covid – 19 đã tăng vọt lên gần gấp đôi với 2.200 ca nhiễm.

Theo một thống kê do AFP tổng hợp từ các nguồn chính thức, hiện Covid – 19 đã xuất hiện tại 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 163.930 ca nhiễm bệnh và 6.420 ca tử vong. Trong đó số người tử vong ở châu Âu đã vượt quá 2.000 người. Đại dịch nguy hiểm này đã tấn công tất cả các khu vực toàn cầu, xé toạc lịch trình các sự kiện thể thao và văn hóa, làm rung chuyển thị trường chứng khoán và kinh doanh – đặc biệt là các hãng hàng không trên thế giới.

Xuân An