EVFTA thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 28/8, phát biểu tại hội thảo “Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu hậu Covid-19”, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết, FDI là 1 phần của EVFTA, nếu không tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ là hạn chế lớn trong việc thu hút FDI từ EU.

Theo Đại sứ EU, EVFTA là hiệp định mang tính lịch sử trong dấu mốc quan hệ giữa Việt Nam và EU. Ngày 1/8/2020 EVFTA có hiệu lực, có tỷ lệ dòng thuế nhất định được cắt giảm ngay lập tức. EVFTA cho thấy kết quả mang lại cả lợi ích hữu hình và nhiều lợi ích kinh tế khác, không đơn thuần là giảm thuế cho các đơn vị xuất nhập khẩu và có lợi cho túi tiền của người dân.

Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là phần nội dung quan trọng của EVFTA. EU muốn tăng cường hơn nữa FDI với Việt Nam, nếu không tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu và hoạt động thương mại toàn cầu là bất lợi rất lớn. Vì vậy, cần có sự hiểu biết sâu sắc về các chuỗi giá trị toàn cầu, những cơ hội và thách thức để làm sao có thể tăng cường được vị thế của Việt Nam, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị này.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Covid-19 và chiến tranh thương mại đang chia cắt chúng ta nhưng EVFTA đang kết nối chúng ta. Chưa bao giờ yêu cầu xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm, an toàn lại trở nên quan trọng như hiện nay”.

Theo ông Lộc, EVFTA là nền tảng quan trọng để Việt Nam và EU chung tay với nhau xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm và an toàn. Những tháng qua, nền kinh tế Việt Nam và EU đang gặp khó khăn vì sự tàn phá của chiến tranh thương mại và Covid. EVFTA mang lại niềm tin và cơ hội hiếm hoi giữa mùa Covid. Các DN dệt may, giày dép, thủy sản nhờ EVFTA đã mang lại cho họ hợp đồng mới rất hiếm hoi trong giai đoạn hiện nay.

Cho ý kiến về cơ hội từ làn sóng FDI châu Âu từ EVFTA, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam rất mong muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu khởi nguồn từ các DN châu Âu. Việt Nam hoan nghênh tất cả các công đoạn nhưng đặt mục tiêu vươn tới những công đoạn cao hơn trong chuỗi cung ứng, đó là nghiên cứu phát triển, công nghiệp hỗ trợ, nền tảng công nghệ…

Ông Lộc cho biết, trong bối cảnh hiện nay, theo quan điểm của VCCI, thu hút FDI quan trọng nhất chính là công nghiệp hỗ trợ. Đây là tiềm năng, cơ hội vừa sức với chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện tại…

Thúc đẩy doanh nghiệp Việt hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu

Bình luận về hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, TS. Trương Thị Chí Bình (Phó Chủ tịch và Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam) cho biết, Việt Nam là nước đi sau trong ngành công nghiệp hỗ trợ nên còn non trẻ và gặp rất nhiều khó khăn. Theo nghiên cứu, thường chỉ doanh nghiệp có doanh thu 5 triệu USD/năm trở lên mới có cơ hội xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, số lượng DN Việt trong ngành hỗ trợ có mức doanh thu trên không nhiều.

Dù dung lượng thị trường lớn nhưng DN Việt Nam ít có cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng điện tử. DN Việt Nam đang ở khu vực linh kiện điện tử, sản xuất cung ứng linh kiện điện và điện tử không nhiều, chỉ khoảng hơn 20 DN có thể tham gia vào chuỗi cung ứng tòa cầu. Còn lại khu vực cơ khí có nhiều hơn, khoảng gần 300 DN.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa của công nghiệp phụ trợ Việt Nam cũng thấp. Đơn cử như đối với chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Việt Nam, có tới 88% linh kiện nhập khẩu nhập khẩu, con số này với chuỗi cung ứng trong ngành ô tô là 73,5%…

Vì vậy, ngoài nỗ lực tự thân DN thì rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Theo TS. Trương Thị Chí Bình, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN chế tạo để tham gia chuỗi cung ứng thông qua việc giảm chi phí như giúp tiếp cận tín dụng (vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp); ổn định chi phí và nguồn nhân công; giảm thủ tục hành chính và chi phí không chính thức. …

EVFTA là con đường cao tốc nối Việt Nam- EU. Đây là cuộc chơi với những “người khổng lồ” nên các DN Việt có cơ hội trưởng thành hơn. Đứng trên vai người khổng lồ là đối tác của mình tại châu âu, các DN Việt sẽ  để trưởng thành và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhưng thách thức lớn nhất là vươn tới chuẩn mực về thể chể và quản trị hàng đầu của châu Âu, sự minh bạch về quy tắc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhiều khó khăn vượt qua không làm DN lớn lên nhưng vượt qua được những thách thức của EVFTA với những tiêu chuẩn cao như vậy sẽ giúp DN lớn lên. Vì vậy, các DN phải coi phát triển bền vững là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực.

Thị trường EU đang là thị trường thuận lợi nhất, các DN Việt nên tập trung vào thị trường ưu tiên này. Các DN phải chủ động nắm bắt thông tin về hiệp định, thay đổi chiến lược thị trường phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa, trách nhiệm xã hội, yêu cầu về lao động….

Ông Lộc cũng cho biết, để đảm bảo thực hiện các chương trình thực thi EVFTA , VCCI và EuroCham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) đã quyết định thành lập Hội đồng hỗn hợp DN Việt Nam-EU và sẽ ra mắt vào thời gian tới. Hội đồng này sẽ có nhóm làm việc riêng với DN Việt Nam- EU theo từng ngành hàng. Hàng tháng, hai bên sẽ trao đổi từng chủ đề theo từng nhóm ngành hàng để DN hai bên tương tác, chia sẻ.

Thêm ý kiến về vấn đề này, Đại sứ Giorgio Aliberti cho rằng, Việt Nam chưa cần tạo ra thay đổi lớn toàn bộ các chính sách, nhưng phải có những điều chỉnh để chính sách càng phù hợp với các quy định của EU, bởi đó là điều các nhà đầu tư EU rất quan tâm. Việc làm rõ và điều chỉnh chính sách là con đường tốt nhất để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Thái Bình