EVFTA – Đòn bẩy cho sự phát triển của ngành logistics

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020; trong đó lĩnh vực logistics có các cam kết đáng chú ý theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 65% thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam được xóa bỏ trong khi số còn lại sẽ được xóa bỏ dần trong thời gian 10 năm. Ngoài ra, 71% thuế cũng được xóa bỏ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU, số còn lại sẽ được áp dụng trong thời hạn 7 năm.

 Các lĩnh vực như dệt may, dược phẩm, nông thủy sản xuất khẩu, máy móc và ô tô sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình tự do hóa thương mại song phương.Theo đó tất cả hàng dệt may xuất khẩu của EU sang Việt Nam đều được áp thuế bằng 0; tương tự tôm Việt Nam được miễn thuế và gạo được cấp hạn ngạch thuế quan miễn thuế. Tuy nhiên thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng thương mại hàng đầu của cả hai bên (phương tiện và phụ tùng ô tô của EU; giày dép của Việt Nam…) sẽ được dỡ bỏ dần sau 5 – 7 năm. Do đó thay đổi thương mại quan trọng hơn có nhiều khả năng được quan sát thấy ở giai đoạn sau của quá trình thực thi EVFTA. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Về phía Ủy ban châu Âu dự báo xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng trưởng 29% vào năm 2035.

Do hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm tiêu dùng, nhu cầu bán lẻ dần ấm lên cùng với sự phục hồi kinh tế đồng nghĩa với việc nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tăng. Thuế quan đối với phần lớn các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất tại Việt Nam và dành cho châu Âu sẽ chỉ được tự do hóa dần dần trong vòng 3 – 7 năm tới. Tuy nhiên việc loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, chẳng hạn như đơn giản hóa quy trình thông quan của Việt Nam sẽ giúp thuận lợi hóa khâu thương mại và vận chuyển.

Chưa kể việc đẩy nhanh quá trình số hóa do đại dịch gây ra cũng góp phần gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) do Việt Nam sản xuất. Năm 2019, Việt Nam là nhà cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin – truyền thông lớn thứ 7 thế giới và là nhà cung cấp chính cho EU, chiếm 13% tổng nhập khẩu điện thoại của EU vào năm 2020.

Về lâu dài, EVFTA sẽ giúp các công ty EU chuẩn bị tốt hơn cho hai thay đổi cơ cấu lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là sự đa dạng hóa và khu vực hóa mà trong bối cảnh đại dịch có thể tăng tốc. Đơn cử trong lĩnh vực dệt may, quy tắc xuất xứ được đưa ra trong EVFTA nhiều khả năng sẽ thúc đẩy Việt Nam tái cấu trúc ngành sản xuất dệt may để giảm sự phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu thô của Trung Quốc (58%), từ đó hưởng lợi nhiều hơn từ Hiệp định.

Các mức thuế ưu đãi theo EVFTA không chỉ áp dụng cho nguyên liệu dệt may từ EU và Việt Nam mà còn từ khu vực ASEAN và Hàn Quốc do có hiệp định thương mại với EU. Điều này đồng nghĩa với việc có thể tăng cường liên kết thương mại giữa Hàn Quốc và EU thông qua Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, đặc biệt khi Hàn Quốc là nhà cung cấp dệt may lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ngoài ra EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) cũng sẽ giúp các công ty EU tiếp cận tốt hơn với thị trường Việt Nam – một trong những thị trường hứa hẹn nhất cho các công ty muốn đa dạng hóa nguồn cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Liên quan đến khu vực hóa chuỗi cung ứng, EVFTA và các FTA khác mà EU đã ký kết với các nền kinh tế lớn của châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…) cũng sẽ tạo điều kiện cho EU tham gia vào quá trình hội nhập nội khối ngày càng tăng của thị trường châu Á.

Tiềm năng hợp tác thương mại dồi dào giữa EU và Việt Nam cũng đồng nghĩa với cơ hội đầu tư ngày càng lớn trong lĩnh vực logistics của Việt Nam. Đây cũng chính là bệ phóng cho Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần khu vực vào năm 2025. EVFTA và EVIPA  cho phép EU tham gia cung cấp các dịch vụ vận tải biển như: đại lý tàu biển, xếp dỡ hàng hóa/container, lưu kho bãi..

Ngoài ra triển vọng tích cực đối với thương mại EU – Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra nhu cầu mới trong lĩnh vực vận tải đa phương thức (vận tải hàng hóa đường sắt – đường biển). Nếu trước đây giải pháp đa phương thức Đông Nam Á – châu Âu thông qua Trung Quốc chủ yếu mang tính khái niệm thì ở thời điểm hiện tại, giải pháp này nhiều khả năng sẽ trở thành một đề nghị thực sự trên thị trường. Đơn cử DHL đã cung cấp kết nối vận chuyển đa phương thức từ Hà Nội qua Trung Quốc (Thành Đô/Thâm Quyến) đến Ba Lan và Đức. Tương tự kể từ năm 2021 Nippon Express đã cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt Trung Quốc – châu Âu từ Tô Châu đến Hamburg và Duisburg; vận tải hàng hóa đường sắt Trung Quốc – Đông Nam Á từ Tô Châu đến Hà Nội.

Mặc dù giải pháp đa phương thức vẫn chưa mấy phát triển song năm 2021 khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt – đường biển giữa Trung Quốc và Đông Nam Á vẫn đạt 66.292 tấn trọng tải (TEU), tăng 88,5% so với năm ngoái. Tương tự khối lượng vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu cũng tiếp tục tăng ở mức hai con số, với mức tăng 84% trong cùng kỳ.

Nguyệt Anh