Đức hy vọng hạn chế được các khoản nợ từ dịch COVID-19

Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Olaf Scholz mới đây cho biết nước này có thể hạn chế tác động tài chính của cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 mà không vượt quá mức nợ được phê duyệt nếu nền kinh tế phục hồi trong nửa cuối năm nay.

Quốc hội Đức ngày 25/3 đã đình chỉ chính sách “phanh nợ” để hỗ trợ nước này chống dịch COVID-19 với ngân sách bổ sung 156 tỷ euro (169,67 tỷ USD), 100 tỷ euro (108,7 tỷ USD) cho một quỹ ổn định kinh tế có thể mua cổ phần trực tiếp trong các công ty và 100 tỷ euro (108,7 tỷ USD) tín dụng cho Ngân hàng Phát triển KfW. Các biện pháp này chủ yếu nhằm mục đích tài trợ cho các công ty chăm sóc sức khỏe và y tế.

Khi được hỏi liệu 156 tỷ euro có thể là mức nợ cao mới của nước Đức hay không, ông Scholz nói với tờ Welt am Sonntag rằng nếu Chính phủ có thể cố gắng để đưa tăng trưởng kinh tế lên cao trở lại trong nửa cuối năm, thì việc này hoàn toàn khả thi.

Ông nói rằng nước Đức sẽ đặt mục tiêu phục hồi các khoản chi tiêu này trong một thời gian dài mà không phải tiết kiệm đáng kể cho những lĩnh vực khác. Bộ trưởng Scholz cũng ca ngợi hệ thống phúc lợi xã hội của Đức vốn giúp Chính phủ có thể đưa ra mức hỗ trợ khá cao nhưng điều này có nghĩa là Chính phủ có thể tăng mức thuế áp lên những người có thu nhập thuộc nhóm cao sau cuộc khủng hoảng. Ông nhấn mạnh rằng việc đánh thuế như vậy cần phải “công bằng và chính đáng” để hỗ trợ các nhóm thu nhập thấp hơn.

Ngoài những khoản tiền nêu trên, gói hỗ trợ của Chính phủ Đức còn bao gồm một quỹ bình ổn trị giá 400 tỷ euro (434,9 tỷ USD) trong bảo lãnh cho vay để đảm bảo những khoản nợ cho các công ty có nguy cơ vỡ nợ, qua đó đẩy tổng số tiền lên tới hơn 750 tỷ euro (815,6 tỷ USD).

Bộ trưởng Scholz nói rằng ông đặt mục tiêu đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế nếu cần thiết, sau khi kết thúc chính sách giãn cách xã hội hiện tại vốn khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân buộc phỉa ở nhà. Ông cho biết chính phủ cũng đang xem xét các biện pháp hỗ trợ cho các chủ khách sạn và nhà hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ Đức cũng sẽ chú ý đến việc hiện đại hóa đất nước như thông qua việc giảm lượng khí thải CO2, mở rộng các phương tiện di chuyển chạy bằng điện hoặc số hóa nền kinh tế.

Ngày 17/4, Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn cho biết sau 4 tuần áp dụng các biện pháp ứng phó, đến nay Đức đã có thể kiểm soát tốc độ lây lan dịch COVID-19. Chính phủ Đức đang lên kế hoạch để các cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại vào tuần tới, đồng thời cũng dự định mở lại các trường học vào đầu tháng Năm, trong khi vẫn đang duy trì các quy tắc nghiêm ngặt về cách ly xã hội.

Ân Thuyên