Đức công bố Chiến lược đối phó với Trung Quốc

Chính phủ Đức vừa công bố Chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc ở các lĩnh vực quan trọng bao gồm công nghệ y tế, pin lithium-ion và các vật liệu thiết yếu để sản xuất chip. Giải thích cho chiến lược này, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh Berlin không muốn tách rời Trung Quốc mà chỉ đang tìm cách giảm thiểu rủi ro hết mức có thể từ việc các doanh nghiệp Đức quá phụ thuộc vào thị trường Bắc Kinh.

Quảng cáo xe Volkswagen tại Trung Quốc. Ảnh: Costfoto

Với “Chiến lược về Trung Quốc”, Đức sẽ điều chỉnh danh sách những sản phẩm chịu kiểm soát xuất khẩu trong bối cảnh các công nghệ mới đang phát triển, bao gồm công nghệ giám sát và an ninh mạng. Chính phủ Đức cũng sẽ ban hành các quy định để bảo đảm những dự án nghiên cứu và phát triển với Trung Quốc có khả năng gây chảy máu chất xám sẽ không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các quỹ liên bang hoặc chỉ nhận được sự hỗ trợ đó trong một số điều kiện nhất định.

Thông qua Chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Đức muốn tăng cường xác minh các khoản đầu tư của Bắc Kinh cũng như cân nhắc cơ chế đánh giá đầu tư của Đức vào đây. Đặc biệt để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Berlin cũng sẽ gia tăng các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa hoạt động khỏi Bắc Kinh. “Trung Quốc đã thay đổi và vì vậy chính sách Trung Quốc của chúng tôi cũng phải thay đổi. Đức và EU sẽ cùng nhau phản ứng nếu Trung Quốc áp biện pháp thù địch nhắm vào một quốc gia trog EU. Chúng tôi sẽ dùng thị trường nội địa làm công cụ mạnh mẽ nhất” – Ngoại trưởng Annalena Baerbock tuyên bố

Theo các chuyên gia, Chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc thực sự là một đòn bất ngờ của Đức – quốc gia châu Âu vốn nổi tiếng là thân thiện nhất với Trung Quốc. Tuy nhiên Chiến lược vẫn giữ vững hòa khí khi không đề xuất cấm Trung Quốc tiếp cận công nghệ như cách Mỹ đang làm. Đức cũng nhấn mạnh sẽ nỗ lực vun đắp quan hệ kinh tế tốt đẹp với Trung Quốc và cùng hợp tác trên mặt trận chống biến đổi khí hậu.

Có thể thấy chiến sự Nga – Ukraine đã để lại bài học sâu sắc cho Đức. Việc phụ thuộc vào Nga đã đẩy Đức vào khủng hoảng năng lượng và giờ đây họ không muốn đi vào vết xe đổ đó với Trung Quốc. Theo Titus Von Dem Bongart – nhà phân tích tại Ernst & Young Trung Quốc, nếu so với Nga thì Trung Quốc là đối tác vượt trội hơn cả. Trung Quốc là thị trường xe hơi lớn nhất (bao gồm hai hãng xe Volkswagen, BMW), đồng thời cũng là thị trường hóa chất lớn nhất của Đức

Các công ty Đức là những doanh nghiệp phương Tây đầu tiên coi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tiềm năng chứ không đơn thuần chỉ là công xưởng sản xuất giá rẻ. Họ tới đây sản xuất máy móc cho các nhà máy, xây dựng cơ sở vật chất cho Trung Quốc và chào mời bán xe hơi cho tầng lớp trung lưu mới nổi. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, Trung Quốc dần trở thành đối thủ đáng gờm của Đức khi xuất khẩu nhiều xe hơn cả Berlin. Dù vậy Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức với kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt gần 300 tỉ euro (332 tỉ USD) vào năm 2022.

Hiện các công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc đang nỗ lực cải tổ chuỗi cung ứng để tự giảm thiểu rủi ro, đặt trong trường hợp nguồn cung tại Bắc Kinh bị đứt gãy. Dù làn sóng rời Trung Quốc đang mạnh dần lên song vẫn có nhiều doanh nghiệp tiếp tục tăng đầu tư vào đây, đơn cử như Volkswagen. “Dù đã đầu tư hàng tỷ USD vào Mỹ và Nam Mỹ song Volkswagen vẫn sẽ tiếp tục rót tiền vào Trung Quốc. Một trong những ưu tiên chúng tôi hướng đến là phát triển chuỗi cung ứng độc lập hơn tại đây để giảm thiểu rủi ro”, Ralf Brandstatter – Giám đốc Volkswagen tại Trung Quốc cho biết sau khi Đức công bố chiến lược đối phó Trung Quốc.

Còn trong lĩnh vực hóa chất, gã khổng lồ hóa chất Đức BASF đã lên kế hoạch đầu tư một nhà máy ở Trạm Giang với tổng vốn đầu tư lên đến 10 tỷ euro. Khi hoàn thiện, đây sẽ là nhà máy lớn thứ ba của BASF trên thế giới. Được biết hiện Trung Quốc đóng góp tới 15% doanh số hàng năm của BASF

Các hiệp hội doanh nghiệp của Đức và một số nước khác cũng đã lên tiếng khuyến cáo thay vì đối đầu với Trung Quốc như cách Mỹ đã làm, Đức nên đặt niềm tin vào các doanh nghiệp rằng họ sẽ tự biết cách kiểm soát mức độ hiện diện tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một số công ty Đức còn bày tỏ hy vọng chiến lược mới sẽ cung cấp nhiều khuôn khổ hợp tác hơn, thay vì chỉ tập trung vào việc giảm rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc

Cui Hongjian – Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Âu tại Viện Quốc tế học Trung Quốc cho rằng vì nội dung Chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã bị rò rỉ từ trước nên Bắc Kinh đã ý thức được mục tiêu của chiến lược này. “Trung Quốc đã nắm được các quy tắc của Đức, điều quan trọng là Đức sẽ thực hiện những quy tắc đó như thế nào? Trung Quốc vẫn muốn tiếp tục hợp tác, giao thương với Đức và bản thân Berlin cũng vậy. Yêu cầu đặt ra ở đây là cả hai nước sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để dung hòa những khác biệt và siết chặt hợp tác trong tương lai” – ông Cui Hongjian nhấn mạnh.

Trước đó vào tháng 11/2022, Đức đã thông qua quy định thắt chặt điều kiện và áp trần hỗ trợ của chính phủ đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài; mục tiêu là để giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp tại Trung Quốc và khuyến khích đầu tư sang địa điểm khác.

Bộ Kinh tế Đức cũng ngày càng thận trọng với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Cuối năm ngoái, họ chặn thương vụ bán một nhà máy chip cho chi nhánh tại Thụy Điển của một doanh nghiệp Trung Quốc. Sự cứng rắn của chính phủ buộc các công ty Đức phải tìm lựa chọn khác thay thế. Đây cũng chính là nguyên nhân kéo kim ngạch thương mại song phương Đức – Trung trong quý I/2023 giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay sau khi Đức công bố “Chiến lược về Trung Quốc”, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức cũng đã bày tỏ mong muốn Đức sẽ lý trí và khách quan hơn trong vấn đề này. “Ép buộc giảm rủi ro dựa trên các định kiến hoàn toàn đi ngược lại xu thế của thời đại và chỉ càng làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trên thế giới mà thôi” – cơ quan này cảnh báo.

Triệu Hưng