Du lịch Việt Nam tìm hướng phát triển bền vững

Sáng nay (6/12), phiên thứ hai của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, với chủ đề “Phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững – tầm nhìn 2030” đã diễn ra sôi nổi. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên toàn thể của Diễn đàn với quy mô 1.500 quan khách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến tham dự, phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Diễn đàn

Thách thức lớn

Mở đầu diễn đàn, PGS.TS Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân đã nhắc lại những đóng góp to lớn của ngành du lịch trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Ông Bình nhấn mạnh, đây là ngành tăng trưởng 2 lần trong nhiều năm qua, đóng góp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra nhiều thách thức và lo lắng cho những năm tiếp theo. Nếu không thay đổi thì chúng ta đã đến ngưỡng giới hạn. Câu nói của ông Trương Gia Bình là sự khơi mở để các diễn giả thẳng thẳn, cởi mở chia sẻ những thách thức trong phát triển ngành du lịch Việt Nam.

Là cố vấn cấp cao BCG, thành viên Hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh, ông John Lindquist bày tỏ, Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa khai thác và quảng bá hiệu quả. Theo xếp hạng về năng lực cạnh tranh thì Việt Nam hiện chỉ xếp thứ 80 trong tổng số 136 quốc gia, thậm chí sau Lào, Campuchia. Đây là những thách thức lớn Việt Nam cần vượt qua. Bên cạnh đó, visa cũng là điểm yếu Việt Nam cần cải thiện. “Nếu có sự nới lỏng visa hơn nữa sẽ có thể tạo cú huých về du lịch trong tương lai. Cụ thể, theo tính toán, khi Việt Nam miễn Visa cho Anh, Italia thì tổng lượng khách đến đã tăng 20%” – ông John Lindquist chỉ ra.

Quan chức, lãnh đạo và đại diện cấp cao trong nước, quốc tế tham dự Diễn đàn

Cùng với rào cản từ visa và xúc tiến quảng bá thì hạ tầng giao thông là một trong những mối lo ngại lớn để du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Ngay khi mở đầu diễn đàn, ông Trương Gia Bình đã trăn trở: “Trong nhiều năm, Việt Nam mới chỉ xây dựng được 2 sân bay mới. Nếu không thay đổi thì chúng ta đã đến ngưỡng giới hạn”. Đồng quan điểm này, ông Lương Hoài Nam – Phó Tổng giám đốc Công ty Hàng không Ngôi Sao Việt Nam bày tỏ: “Dù thực hiện chính sách tự do hàng không nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Việt Nam mới có ba hãng hàng không phục vụ vận chuyển du lịch, điều này dường như là chưa đủ. Trong khi đó, việc xin giấy phép hoạt động hàng không ở Việt Nam rất khó, quá trình cấp phép rất lâu. Nếu thị trường hàng không không đủ tính cạnh tranh, việc sụt giảm khách du lịch là tất yếu. Hàng không và du lịch phải song song với nhau”.

Giải pháp cụ thể

Giải pháp để ngành du lịch Việt phát triển bền vững được ông Olivier Muehlstein – Giám đốc điều hành BCG Singapore hiến kế: Trước hết, Việt Nam cần thay đổi cơ cấu cũng như thách thức về cơ sở hạ tầng, khách sạn, cần tăng tốc phát triển sân bay để nâng cao công suất phục vụ, tăng vận tải hàng không từ nước ngoài vào. Bên cạnh đó, phải cải thiện trải nghiệm của du khách tới Việt Nam, làm gọn những thủ tục phức tạp, tăng trải nghiệm đặt phòng, đặt vé, xử lý visa…Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông cho ngành du lịch, đưa Việt Nam trở thành điểm đến có thương hiệu. Đặc biệt, cải thiện công tác điều phối giữa Chính phủ với khối tư nhân, tạo sự phối hợp nhịp nhàng để tăng số lượng và chất lượng cũng như tăng đóng góp GDP…

Ông John Lindquist thành viên Hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh

Ông John Lindquist đã có bài trình bày vô cùng tâm huyết tại phiên họp. Ông cũng điểm lại những gì Việt Nam đã đạt được và so sánh với các quốc gia khác. Đó là, Việt Nam đã đạt 15 triệu lượt khách, tăng 10% so với 2 năm gần đây. Tuy nhiên, so với Thái Lan thì Việt Nam mới chỉ đứng thứ 3. Chính vì vậy, ông cho rằng, những người làm du lịch cần làm cho quốc gia trở nên nổi tiếng và đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Theo đó, Việt Nam cần tạo thương hiệu và quảng bá thương hiệu này đến với các khách hàng tiềm năng. Để tạo thương hiệu, chúng ta cần nguồn ngân sách và có những chính sách, chương trình phù hợp để giúp du khách biết rằng du lịch đến Việt Nam dễ dàng như thủ tục visa đơn giản, hệ thống hàng không thuận tiện, đi lại dễ dàng.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality Group – ông Craig Douglas nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều nguồn lực tài nguyên nhưng hiện nay đều đang bị khai thác quá tải. Vì vậy, việc nên làm là cải thiện các dịch vụ để tăng trải nghiệm tốt cho du khách, từ đó mới có thể chọn sự tăng trưởng cho du lịch một cách bền vững. Bên cạnh đó, việc phát triển các chính sách quảng bá để thu hút các nguồn đầu tư du lịch dài hạn cũng cần chú trọng, tránh quan tâm quá nhiều tới các nguồn ngắn hạn.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết, để nâng cao quảng bá du lịch Việt Nam, Bộ cũng đã xây dựng đề án thành lập quỹ phát triển du lịch nhằm huy động nguồn lực công – tư. Khi đi vào hoạt động, quỹ này sẽ góp phần đẩy mạnh du lịch.

Đến dự, phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Du lịch là ngành “nóng”, liên quan nhiều ngành, nhiều người, mọi cấp độ. Hôm nay, Chính phủ đã ghi chép cẩn thận các ý kiến để nghiên cứu làm sao cho du lịch Việt Nam phát triển tốt hơn” – Phó Thủ tướng nói. Tuy nhiên, với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia, Phó Thủ tướng cũng lo ngại, khi du lịch phát triển nhanh đến một ngưỡng sẽ khó giải quyết được các thách thức đặt ra như lĩnh vực hàng không, nguồn nhân lực…Trong khi chưa có giải pháp giải quyết những vướng mắc thì chúng ta cần làm sao để khách hàng trả nhiều tiền hơn để được trải nghiệm dịch vụ du lịch chất lượng cao hơn; đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh. Và Phó Thủ tướng tin tưởng, du lịch sẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển nhanh hơn, cải thiện môi trường, kéo xếp hạng về tăng cường cải cách năng lực cạnh tranh lên cao hơn.

Minh Đường