Du lịch 4.0 hấp dẫn giới trẻ khởi nghiệp

Với xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch Viêt Nam đang thu hút giới trẻ khởi nghiệp thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Du lịch thông minh là loại hình du lịch ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách thông qua các ứng dụng trực tuyến như đặt phòng, tìm đường, lựa chọn điểm đến… Du khách chỉ cần chạm tay vào ứng dụng là có thể kết nối và ghi nhận được tất cả những thông tin liên quan. Xu thế này đang phát triển mạnh tại các quốc gia trên thế giới và gần đây được giới trẻ Việt Nam đón nhận tích cực thông qua việc ra đời hàng loạt ứng dụng du lịch trực tuyến.

Được thành lập năm 2014 – Triip là một công ty du lịch dành cho các khách địa phương và du khách toàn cầu. Lâm Thị Thúy Hà – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Triip.me chia sẻ: “Triip.me kết nối du khách với các “chuyên gia địa phương” (người yêu nghệ thuật, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, nhà văn hóa, bà nội trợ, sinh viên …) để chính họ trở thành những hướng dẫn viên. Các chuyên gia này có thể đưa ra kế hoạch tour, chia sẻ kinh nghiệm, quyết định về giá, thời gian và lịch trình chuyến đi. Kế hoạch này sau đó sẽ được hiệu đính bởi Triip.me và khi chuyến đi hoàn thành, Triip hưởng 10% khoản thu nhập trong mỗi giao dịch”.

Những gói tour của Triip khá đa dạng – từ khám phá văn hóa địa phương như nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, lịch sử đến chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh; tham gia các hoạt động mang tính trải nghiệm như chế tác kim hoàn, tranh tài thể thao. Chẳng hạn, chủ cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ có thể mời du khách tới thăm xưởng, chế tác sản phẩm.

Thực chất, Triip.me sử dụng mô hình như Airbnb – tức là dùng nguồn lực của cộng đồng để xây dựng các tour du lịch trên toàn thế giới. Mô hình này cho phép bất kỳ người nào cũng có thể tạo ra các tour du lịch để bán cho khách cần. Hiện tại Triip.me đã ký hợp đồng với hơn 6.000 chuyên gia trong nước và hơn 7.000 tour tại hơn 635 thành phố của hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới”, Thúy Hà cho hay.

Với những thành công của mình, tháng 2/2016 Triip đã nhận 500.000 USD trong vòng gọi vốn hạt giống từ Quỹ đầu tư Gobi Partners và khoảng 150.000 USD từ các nhà đầu tư trong quý 2/2017. Trong vòng gọi vốn mới nhất, Triip.me đang đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu tăng gấp 10 lần, khoảng 500.000 USD mỗi tháng vào cuối năm nay.

Du lịch Việt Nam đang thu hút giới trẻ khởi nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ 4.0

Tương tự Triip, Ecohost là một mô hình du lịch cộng đồng tiêu chuẩn 3 sao được thành lập cuối năm 2017. Bùi Nhàn – Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Ecosea Travel chia sẻ: “Trước tình trạng chất lượng của các homestay tại Việt Nam có chất lượng thấp còn người dân không có năng lực phát triển kinh doanh cũng như làm sản phẩm – Nhàn đã hình thành ý tưởng xây dựng Ecohost để giải quyết một số vấn đề yếu kém còn tồn đọng hiện tại này”.

Cụ thể, Ecohost sẽ giải quyết các vấn đề như: Trainning đào tạo và hỗ trợ cộng đồng nâng cao nhận thức và kỹ năng phục vụ khách hàng; Tư vấn xây dựng sản phẩm tours tuyến cũng như tư vấn nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng ăn ở và dịch vụ tại gia đình để đảm bảo chất lượng quốc tế; Đưa các điểm Ecohost vào hệ thống platform nhằm giúp họ quản lý và phát triển kinh doanh theo xu hướng mới của thị trường, giúp cho các điểm homestay được số hóa và dễ dàng tìm kiếm cũng như tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng…

Dù hoạt động chưa đầy 1 năm nhưng số lượng khách trải nghiệm của Ecohost ngày càng tăng và tương lai gần sẽ là sản phẩm du lịch được nhiều khách hàng quan tâm tìm kiếm. Do vậy hướng đi mà chúng tôi vạch ra trong thời gian tới đây là thúc đẩy xây dựng mô hình Ecohost tại nhiều vùng miền trong cả nước với tiêu chí và tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị thường này. Trong năm 2018 – 2019 chúng tôi có kế hoạch xây dựng thí điểm 3 mô hình mẫu Ecohost tại các tỉnh thành như Nam Định, Sơn La, Lào Cai. Từ đó chuẩn chỉ về tiêu chí, chất lượng, quy trình và sau đó sẽ nhân rộng mô hình ra cả nước, và hướng tới mở rộng trong khu vực”, Bùi Nhàn cho biết thêm.

Đây mới chỉ là hai trong rất nhiều ứng dụng du lịch thông minh đang được giới starup Việt Nam chọn để khởi nghiệp, đồng thời thúc đẩy nền du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Việc phát triển những mô hình này cũng đúng theo chiến lược mà Tổng cục Du lịch đã đưa ra cho ngành du lịch trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên các chương trình chiến lược phù hợp và trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

Victor Thai