Đông Phi lo ngại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen bị chấm dứt

Quyết định của Nga hôm thứ Hai rút khỏi một thỏa thuận cho phép xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp của Ukraine thông qua một kênh an toàn qua Biển Đen trong bối cảnh chiến tranh đang tiếp diễn đã gây ảnh hưởng lớn bên ngoài chiến tuyến ở Ukraine.

Trong nhiều năm, các quốc gia Đông Phi bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu toàn cầu đã dựa vào xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine để duy trì. Giờ đây, việc chấm dứt thỏa thuận có thể dẫn đến giá tiêu dùng tăng cao, gây thêm căng thẳng cho nông dân và các tổ chức viện trợ thiếu tiền vốn đang phải vật lộn để đối phó với những thách thức như xung đột hạn hán.

Debisi Araba, chiến lược gia chính sách lương thực và cựu giám đốc điều hành tại Diễn đàn Cách mạng xanh châu Phi (AGRF) cho biết: “Chúng tôi đã biết hoặc có thể dự đoán ở mức độ hợp lý tác động của việc tạm dừng xuất khẩu từ khu vực đó sang phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Đông Phi và Sừng châu Phi, đối với giá lương thực. Chúng ta có thể thấy áp lực lạm phát đối với giá ngũ cốc, đặc biệt là ở các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu – nơi những loại ngũ cốc này chủ yếu là lương thực nuôi sống hàng triệu người – đẩy nhiều người hơn vào tình trạng dễ bị tổn thương và bất an”.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đàm phán vào tháng 7 năm 2022. Sáng kiến này cho phép các tàu chở phân bón và nông sản rời ba cảng của Ukraine, đi qua các tuyến đường được lập bản đồ cẩn thận để tránh mìn và vượt qua các tàu chiến Nga trên đường đến eo biển Bosporus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết quả là khoảng 32,8 triệu tấn ngô, lúa mì và các loại ngũ cốc khác của Ukraine đã được xuất khẩu kể từ khi thỏa thuận được ký kết vào năm ngoái.

Việc chấm dứt thỏa thuận có thể ảnh hưởng sâu sắc đến một khu vực vốn đã quay cuồng với các mùa không thể đoán trước, năng suất cây trồng kém và gia súc chết hàng loạt, do hành tinh nóng lên nhanh chóng.

Ví dụ, Somalia hiện đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong bốn thập kỷ qua.

Ayan Mahamoud, một chuyên gia về khả năng phục hồi khí hậu của khối thương mại Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) bao gồm Djibouti, Ethiopia, Somalia, Eritrea, Sudan, Nam Sudan, Kenya và Uganda, cho biết: “Việc chấm dứt Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen đang đặt ra thêm thách thức cho các quốc gia đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu được biết là làm gián đoạn năng suất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và sản xuất lương thực”.

Với sáng kiến về ngũ cốc đang ở thế “đi trên dây”, các nhà hoạt động và kinh tế học châu Phi đang kêu gọi các giải pháp thông minh về khí hậu để hỗ trợ nông dân địa phương và đẩy mạnh sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Brain Sserunjogi, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế ở Uganda, nói: “Chúng ta phải cố gắng và xây dựng khả năng tự cung tự cấp. Chúng ta phải đầu tư vào các biện pháp tưới tiêu để đảm bảo rằng chúng ta củng cố cơ sở sản xuất của mình đối với một số loại thực phẩm mà chúng ta ăn. Chúng ta phải phát triển ngành công nghiệp phân bón địa phương”.

Diệu Trúc