Đồng bạc xanh tăng giá có ảnh hưởng gì?

Mặc dù chủng virus Corona mới khiến Mỹ rơi vào tình trạng bị phong tỏa, nhưng đồng USD vẫn tiếp tục được xem là loại tiền tệ an toàn và ổn định nhất thế giới.

Giá trị của đồng bạc xanh đang tăng mạnh, tăng hơn 7% so với một loạt tiền tệ khác – như đồng Euro, bảng Anh và đồng Franc Thụy Sĩ – kể từ khi chạm mức thấp nhất của năm 2020 vào ngày 9/3.

Tuy nhiên, nhu cầu mạnh mẽ về đồng USD từ các quốc gia khác trên thế giới đã tạo ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản – về cơ bản là sự thiếu hụt đồng USD. Hiện có nhiều lo ngại rằng điều này có thể tàn phá thị trường tài chính toàn cầu hơn nữa.

Kit Juckes, một chiến lược gia tại Societe Generale, viết trong một báo cáo: “Sự sụp đổ trong hoạt động kinh tế toàn cầu khiến nhiều người không có đủ USD để thực hiện công việc của họ và sẽ không có đủ USD bơm vào để thực hiện điều đó. Sẽ chẳng có vấn đề gì khi họ không vay nợ USD từ người Mỹ… nhưng điều quan trọng là họ cần USD và cần chúng ngay bây giờ”.

 Đó dường như là lý do chính đằng sau các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để triển khai các khoản vay USD mới với 5 ngân hàng trung ương lớn hôm 15/3 và mở rộng chương trình với 9 ngân hàng trung ương khác hôm 19/3.

Fed đã công bố kế hoạch tiếp theo hôm 20/3 để tăng tần suất hoán đổi USD với Ngân hàng Canada, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Sự hoán đổi này sẽ diễn ra hàng ngày – chứ không phải hàng tuần như trước đây – bắt đầu từ ngày 23/3 và sẽ kéo dài đến ít nhất là cuối tháng 4/2020.

Lauren Goodwin, chuyên gia kinh tế và chiến lược danh mục đầu tư đa tài sản tại New York Life, cho biết trong một báo cáo: “Bất kỳ căng thẳng nào trong thị trường tài trợ bán buôn đều nhận được sự chú ý và bất cứ điều gì được thực hiện để giải quyết vấn đề đó đều rất quan trọng. Việc mở rộng trao đổi với nhiều quốc gia hơn có thể tiếp tục cải thiện các hạn chế trong việc tài trợ tiền tệ hiện nay:.

Đồng USD hồi sinh có thể tạo ra một vấn đề lớn khác đối với các công ty đa quốc gia khổng lồ của Mỹ đang phải vật lộn trước nhu cầu thấp hơn ở nước ngoài do hậu quả của đại dịch COVID-19. Đồng USD mạnh khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn – và do đó ít cạnh tranh hơn – so với hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài.

Tuy nhiên, nhu cầu về đồng USD cũng là một dấu hiệu tâm lý tốt. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư trên toàn cầu vẫn tin tưởng vào vị thế của nước Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới và đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Brent Schutte, chiến lược gia đầu tư tại Công ty quản lý tài sản Northwestern, nói: “Đồng đô la đang tăng giá vì nó là một loại tiền tệ an toàn. Và điều đó mang lại một số lợi ích nhất định”. Ông Schutte nói rằng các nhà đầu tư không nên lo lắng về việc đồng USD sẽ ảnh hưởng gì tới lợi nhuận của công ty. Đồng USD mạnh hơn cũng giúp hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn cho người tiêu dùng Mỹ.

Ric Edelman, nhà sáng lập công ty tài chính Edelman Financial Engines, nói: “Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới. Đó là lý do khiến đồng USD và trái phiếu kho bạc được coi là các tài sản an toàn nhất thế giới. Điều này là không thể tránh khỏi và về lâu dài nó không có hại”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đặt câu hỏi rằng liệu đồng USD có thể tăng giá hơn nữa từ các mức này hay không. Hiện các quốc gia khác bắt đầu nhận ra rằng họ cần phải hành động để nâng đỡ đồng nội tệ của chính họ.

Kathy Lien, Giám đốc điều hành chiến lược Forex tại BK Asset Management, cho biết trong một báo cáo: “Rủi ro chính đối với đồng USD là sự can thiệp tiền tệ của nhóm G7. Với việc đồng bạc xanh tăng giá khiến nhiều loại tiền tệ xuống mức thấp trong nhiều năm, các ngân hàng trung ương từ Brazil đến Na Uy đã vội vàng hành động để ngăn chặn các tổn thất lớn hơn nữa. Có khả năng lớn rằng các ngân hàng sẽ hành động phối hợp trên quy mô toàn cầu. Nếu họ tham gia vào thị trường, hành động tiếp theo sẽ là bán USD, chứ không phải mua chúng”.

Thiên Phú ( theo CNN)