Đơn hàng bị hủy, sản xuất đình trệ, doanh nghiệp ngành gỗ cầu cứu Chính phủ

 Là 1 trong 4 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam song ngành gỗ – nội thất đang phải gánh chịu những tác động nặng nề của dịch Covid-19. Hàng loạt đơn hàng bị hủy khiến doanh thu của các DN trong ngành sụt giảm mạnh, nhiều DN buộc phải ngừng sản xuất hoặc cho công nhân nghỉ việc do thiếu đơn hàng trầm trọng.

Từ giữa tháng 3/2020 đến nay, các thị trường nhập khẩu đồ gỗ hàng đầu của Việt Nam như Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt), Nhật Bản (chiếm 13%), Trung Quốc (chiếm 12%), EU (chiếm 10%) đều bị đình trệ. Để ngăn ngừa dịch bệnh, chính phủ các quốc gia này đều đang áp dụng các chính sách mạnh (đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các chuỗi cửa hàng không thiết yếu…), dẫn đến các đứt gãy nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều giao dịch thương mại bị đình trệ hay hủy bỏ. Trong đó các DN gỗ Việt Nam là nạn nhân trực tiếp khi liên tục nhận thông báo giãn thời gian hoặc dừng hoạt động giao hàng từ phía các đối tác, kể cả các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất. Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán và thậm chí là hủy đơn hàng. Một số đơn vị còn nhận được thông báo khách hàng của mình rơi vào tình trạng chuẩn bị phá sản.

Trước tình hình này, vào cuối tháng 3/2020, các Hiệp hội gồm VIFOREST, HAWA, BIFA, FPA Bình Định đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh với 124 DN trong ngành. Mục đích của cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu tác động của dịch Covid – 19 tới DN trên các khía cạnh thiệt hại kinh tế, hoạt động sản xuất, lao động cũng như các khía cạnh về vốn vay, các hoạt động tài chính của DN. Khảo sát cũng nhằm thu thập các kiến nghị của DN đối với các cơ quan quản lý nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh.

Hầu hết doanh nghiệp trong ngành gỗ đều phải thu hẹp sản xuất trong dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Công ty nội thất Nem.

Từ kết quả khảo sát ban đầu cho thấy các tác động tiêu cực của dịch Covid – 19 tới DN ngành gỗ thể hiện rất rõ nét. Cụ thể trong số 124 DN ngành gỗ tham gia khảo sát, có 75% số DN cho biết mức thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỉ đồng vì dịch COVID-19, phần lớn DN bị thu hẹp quy mô sản xuất, một số đóng cửa, 24% còn chưa xác định được thiệt hại và 1% số DN còn lại xác nhận doanh thu đã giảm 70%.

Trên một nửa (51%) số DN tham gia khảo sát cho biết họ đã phải thu hẹp quy mô sản xuất do dịch. 35% DN dù đang hoạt động bình thường nhưng phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới, 7% đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% DN vẫn hoạt động bình thường, tính đến thời điểm cuối tháng 3-2020. Toàn bộ hoạt động sản xuất của DN hiện tại là để đáp ứng các đơn hàng năm 2019.

Sản xuất ngưng trệ khiến quy mô lao động giảm nghiêm trọng. Khoảng 45% tổng số lao động trong các DN này đã mất việc do dịch COVID-19. Theo đó, trong 105 DN cung cấp thông tin về lao động cho biết trước dịch, tổng số lao động làm việc tại các đơn vị này là 47.506 lao động, tuy nhiên đến nay đã có 21.410 lao động nghỉ việc. Ngoài ra DN đang chịu nhiều sức ép về tài chính bởi các loại thuế, phí (thuế VAT, thuế thu nhập DN, phí thuê mặt bằng sản xuất), bảo hiểm xã hội, dư nợ ngân hàng.

Do dịch Covid-19, những hội chợ – nơi giao thương chính của ngành gỗ Việt, như thế này đã không thể tổ chức.

Đứng trước những khó khăn trên, các DN ngành gỗ – nội thất Việt Nam một lòng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ về mặt tài chính để họ có thêm động lực chống chọi với dịch bệnh. Cụ thể có 78 DN phản hồi đề nghị Chính phủ hỗ trợ tài chính để giúp DN trả lương đối với những công nhân mất việc (mức hỗ trợ đề nghị là 1 tháng lương cho mỗi lao động theo quy định của bộ Luật Lao động với tổng kinh phí là khoảng 146,7 tỷ đồng); có 31% trong số DN phản hồi kiến nghị giảm 100% các loại thuế (thuế thu nhập DN, thuế VAT, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất), 31% DN kiến nghị giảm 50% và 15% DN kiến nghị giảm xuống mức từ 40% trở xuống; có 31% DN phản hồi kiến nghị các ngân hàng gia hạn các khoản vay của DN thêm 6 tháng, 29% kiến nghị gia hạn 9 tháng, 13% kiến nghị gia hạn 12 tháng trở lên, 6% kiến nghị gia hạn dưới 5 tháng; có 52% DN phản hồi kiến nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất vốn vay xuống còn 2-5%, 11% kiến nghị giảm xuống dưới 2%, 5% kiến nghị giảm xuống còn 5,1-7%.

Nhiều doanh nghiệp muốn Nhà nước hỗ trợ họ trả lương thất nghiệp cho nhân công nghỉ việc. Ảnh minh họa: Công ty Gỗ Đức Thành.

Mặc dù các DN phải đối mặt với nhiều khó khăn và đang trong thời kỳ thu hẹp quy mô, thậm chí dừng sản xuất song kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu vay vốn của các DN vẫn rất lớn. Cụ thể có tới 103 DN được tham vấn (chiếm 83%) cho biết họ có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân trong giai đoạn không có việc. Ngoài ra một số DN cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tạm dừng nộp thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng hàng nhập khẩu đầu vào của sản xuất, giảm chí phí lưu thông hàng qua cảng ở mức hợp lý, hỗ trợ các chế độ an sinh cho người lao động ngoài Bảo hiểm thất nghiệp, tạo điều kiện cho DN giữ lao động.

Xuân Vinh