Đối diện với nguy cơ phá sản vì dịch bệnh, doanh nghiệp chuỗi bán lẻ – dịch vụ đồng loạt kiến nghị Chính phủ hỗ trợ

Trước nguy cơ phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, tập thể các doanh nghiệp bán lẻ, thực phẩm, dịch vụ ăn uống, mô hình chuỗi cửa hàng và nhà hàng đã gửi thư cầu cứu lên Chính phủ và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin&Truyền thông, Ngân hàng nhà nước.

Có thể thấy bối cảnh dịch  Covid-19 hoành hành và diễn biến ngày càng khó lường thì các chuỗi bán lẻ – dịch vụ chính là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo chia sẻ từ đại diện các chuỗi, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của các thương hiệu như Golden Gate, The Coffee House, Aka House, Dairy Queen, Otoke Chicken, Guardian, Coffee Club, nhà hàng Hoàng Yến, 30Shine, Thế Giới Di Động, Kids Plaza… đã tụt dốc không phanh. Dịch bệnh khiến các doanh nghiệp bán lẻ – dịch vụ đột ngột mất thanh khoản dòng tiền, rơi vào tình thế không thể thanh toán tiền mặt như điều kiện kinh doanh bình thường. Dù đã chuyển sang hình thức bán online và mua mang đi song doanh thu của các doanh nghiệp hầu như không đáng kể, trong khi đó họ vẫn phải chi trả tiền mặt bằng, tiền nhân công, tiền thuế, phí dịch vụ….

Trước tình hình khó khăn trên, tập thể các doanh nghiệp bán lẻ, thực phẩm, dịch vụ ăn uống, mô hình chuỗi cửa hàng và nhà hàng đã quyết định gửi đơn kiến nghị kên Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước. Nội dung trọng tâm của đơn nằm ở 3 kiến nghị về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ – dịch vụ trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ kiến nghị Chính phủ xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. “Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 447/QD-TTg về việc công bố dịch Covid-19. Ngay sau khi dịch Covid-19 xảy ra các doanh nghiệp bán lẻ – dịch vụ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong khả năng nhưng không khắc phục được thiệt hại cho dịch Covid-19 gây ra. Căn cứ các điều kiện trên, có thể xác định dịch Covid-19 thỏa mãn các điều kiện của sự kiện bất khả kháng đối với các doanh nghiệp bán lẻ – dịch vụ. Tuy nhiên, để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh các tranh chấp phát sinh khi xử lý các vấn đề của thỏa thuận thuê mặt bằng kinh doanh, kính đề nghị Chính phủ xem xét và xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng” – đơn kiến nghị nêu.

Kiến nghị thư của các chuỗi bán lẻ và dịch vụ lớn tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp ngành hàng này cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về tài chính thông qua: giảm 50% giá các dịch vụ tiện ích (điện, nước) cho doanh nghiệp đến ngày 31/12/2020; hỗ trợ chi trả 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với các trường hợp là người lao động của doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ; miễn 50% thuế giá trị gia tăng thu được và hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp đến ngày 31/12/2020; hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong năm 2020 đến ngày 31/12/2020; hoãn nộp các loại bảo hiểm bắt buộc phát sinh trong năm 2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Để nới lỏng điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ cũng kiến nghị Chính phủ trong thời gian cách ly vẫn cho phép diễn ra hoạt động mua bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và mua hàng mang đi; đồng thời thống nhất việc cho phép thực hiện các hoạt động này tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước trong thời gian diễn ra dịch với điều kiện doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Nguyên Anh