Doanh nghiệp Việt gặp nhiều thách thức trước Hiệp định RCEP
Thách thức mà Hiệp định RCEP đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam là không nhỏ khi mà nước ta nhập siêu phần lớn từ các quốc gia trong RCEP – nơi các nền kinh tế đều định hướng xuất khẩu.
Không thể phủ nhận những cơ hội mà Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết giữa tháng 11 vừa qua đã mang đến cho doanh nghiệp Việt khi tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định và dài hạn.
Hiệp định RCEP được ký bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và năm quốc gia Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã đánh dấu một bước tiến mới của nền kinh tế Việt Nam trong việc hội nhập sâu hơn với thế giới. Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất toàn cầu.
Hiệp định RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.
Hiệp định này hứa hẹn sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tạo cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp. Theo nhiều nghiên cứu, Hiệp định RCEP sẽ mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự nhưng năng lượng cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia trong RCEP đều là nền kinh tế đều định hướng xuất khẩu. Với thị trường Trung Quốc, năm 2019, Việt Nam nhập siêu 33,8 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng nhập siêu 40%. Với thị trường ASEAN, Việt Nam nhập siêu 7 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng nhập siêu -1.3%, và đã có FTA (AFTA). Với thị trường Australia, Việt Nam nhập siêu 0,9 tỷ USD năm 2019 so với xuất siêu 0.3 tỷ USD năm 2018.
Với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam nhập siêu 27 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng nhập siêu -10% (năm 2019), đã có FTA (VKFTA). Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất siêu 0,8 tỷ USD năm 2019 so với nhập siêu 0,2 tỷ USD năm 2018 và đã có CPTPP.
Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ đang đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP.
Khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cũng trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn từ các nước trong RCEP, do đó các doanh nghiệp chắc chắn sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay chính trên “sân nhà” trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Việc tham gia vào hiệp định thương mại tự do với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Thời gian để RCEP chính thức có hiệu lực không còn dài, vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt cần hết sức khẩn trương, chủ động để nắm bắt những thuận lợi mà hiệp định mang lại, đồng thời khắc phục những “lỗ hổng”, yếu kém của mình.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công thương) cho rằng, cũng như với các hiệp định FTA khác, để khai thác triệt để lợi ích của Hiệp định RCEP, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình.
Theo đó, hai mảng chính doanh nghiệp cần quan tâm: Một là, về mặt xuất khẩu hàng hóa đi, doanh nghiệp cần quan tâm đến lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia hiệp định, quy tắc xuất xứ của hiệp định, các quy định về vệ sinh kiểm dịch, rào cản kỹ thuật.
Hai là, doanh nghiệp cần xem việc cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại.
Để khai thác hiệu quả hiệp định này, doanh nghiệp không chỉ quan tâm riêng cam kết của Việt Nam mà còn phải xem Việt Nam cam kết gì với 14 đối tác còn lại.
Việc ký kết hiệp định lớn có hai mặt. Một mặt là hàng hóa của chúng ta có khả năng xuất khẩu sang nước khác, dịch vụ vươn ra được thị trường thế giới, nhưng thị trường Việt Nam cũng sẽ phải đón nhận hàng hóa từ nước ngoài, nên chúng ta phải có mức độ mở cửa thị trường tương đối.
Do đó, doanh nghiệp phải có hai chiến lược. Về ngắn hạn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình chiến lược phòng thủ. Theo đó, doanh nghiệp cần củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu của mình chuẩn xác.
Với chiến lược tấn công, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường, thậm chí thị trường quen với mặt hàng có lợi thế.
Ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, ông Minh Anh nhấn mạnh.
Về phía Chính phủ và Bộ Công thương, để giúp doanh nghiệp tiếp cận cơ hội, tận dụng lợi ích từ RCEP, ông Trịnh Minh Anh cho biết, bộ đã xây dựng đề án, kế hoạch truyền thông ngay từ trước khi hiệp định được ký kết. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã họp với các đơn vị liên quan để yêu cầu xây dựng đề án truyền thông để các doanh nghiệp có thể tận dụng tốt nhất, nhanh nhất hiệp định này khi đi vào hiệu lực.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã và đang có kế hoạch dịch nội dung của hiệp định ra tiếng Việt và đưa toàn bộ cam kết của hiệp định này lên trang web của bộ, ban chỉ đạo liên ngành để mọi doanh nghiệp có thể khai thác.
“Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch xây dựng ấn phẩm, cẩm nang, đặc biệt là phân tích những cam kết của hiệp định theo chiều dọc, theo từng ngành quan trọng. Chúng ta tham gia rất nhiều hiệp định tự do, rất nhiều cam kết khác nhau. Nếu chỉ phổ biến từng hiệp định một sẽ dễ làm các doanh nghiệp bị lẫn. Hiện nay, chúng tôi đã có năm cuốn cẩm nang và sẽ bổ sung cẩm nang về hiệp định này”, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tiết lộ.
Minh Anh