Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đồng loạt kêu khó

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) về tình hình sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đại diện Hiệp hội các ngành hàng công nghiệp cho biết hiện tại hoạt độngcủa các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn; một phần do sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách phòng chống dịch áp dụng tại các địa phương….

Cụ thể trong thời gian giãn cách xã hội, một số địa phương xếp đồ uống (nước đóng chai, nước đóng lon…), sữa vào danh mục hàng thiết yếu nhưng các địa phương khác thì không gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng đến các đại lý. Theo phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc trưng của ngành công nghiệp chính là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Chính vì vậy khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu…một cách không đồng bộ, thiếu nhất quán càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề giao dịch, lưu thông hàng hoá. Trong khi đó đồ uống có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá sẽ hết hạn sử dụng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra hàng hóa không được lưu thông cũng góp phần gây nên tình trạng khan hiếm trên thị trường.

Điều 4 Luật Giá năm 2012 có giải thích cụm từ “hàng hoá, dịch vụ thiết yếu” là những hàng hoá, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh. Nhưng đó là định nghĩa Luật Giá đưa ra quy định về những đối tượng sẽ được cơ quan nhà nước điều tiết, bình ổn giá. Trong khi đó nước ta vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định các loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; ngoại trừ danh mục một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu được đề cập trong Công văn số 2601/2020 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 16. Dựa trên hướng dẫn này, các địa phương sẽ ra đề ra danh mục chi tiết các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép kinh doanh, sản xuất…, theo vào tình hình kinh tế xã hội cũng như đặc thù của từng địa phương. Chính sự không đồng nhất này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp

Đồng cảnh ngộ với khối doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm chính là các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp, chế biến, chế tạo. Các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và doanh thu của doanh nghiệp. Thêm vào đó các bất cập trong thủ tục khai báo hải quan, tắc nghẽn tại các cảng biển…cũng làm khó cho doanh nghiệp xuất khẩu, buộc doanh nghiệp phải đưa hàng ra phao số không để đưa lên tàu thay vì tại cảng do không kịp tiến độ giao hàng.

Theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu, chính sự ngăn cách, kiểm soát chặt chẽ giữa các địa phương và những quy định không đồng nhất của cơ quan hải quan càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Về lâu dài, sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dễ dẫn đến sự gián đoạn nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, khiến doanh nghiệp phải đối diện với áp lực tài chính rất lớn.

Để tháo gỡ các nút thắt, đại diện Hiệp hội các ngành hàng công nghiệp đề xuất cần bổ sung mặt hàng thực phẩm, kể cả đồ uống, sữa và nguyên liệu dịch vụ (gồm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến, chế tạo vào danh mục các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất. Đồng thời dành ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vắc xin (có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí) nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại diện Hiệp hội các ngành hàng công nghiệp cũng đề xuất các địa phương nên ngồi lại cùng trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn và thống nhất các quy định nhằm tránh tình trạng “cát cứ”, gây ách tắc lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi sản xuất; cho phép các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh được sản xuất trở lại; bãi bỏ quy định về định mức số lượng ôtô ra vào địa phương; đồng thời cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR. Bên cạnh giải pháp “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm”, các hiệp hội ngành hàng cho rằng các địa phương cũng cần có những biện pháp thay thế linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, quy định phòng dịch… nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng đề nghị Bộ Tài chính nên xem xét tăng thời gian ân hạn giãn, hoãn nộp thuế, phí tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ xấu; xem xét duy trì các giải pháp đã áp dụng trước đây như giảm phí trước bạ… nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước. Các tổ chức tài chính xem xét tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp.

Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của đại diện các hiệp hội ngành hàng, lãnh đạo Cục Công Nghiệp cho biết sẽ sớm có những đề xuất tới các cấp thẩm quyền liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bởi nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, nhiều nguy cơ khách hàng sẽ dừng hoặc huỷ đơn để chuyển sang nước khác. Hậu quả là khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ khó nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất, thậm chí là mất khách hàng.

Như Anh