Doanh nghiệp logistics: Sẵn sàng phục hồi và phát triển thời kỳ hậu dịch

Dịch vụ logistics được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất trong mùa dịch Covid-19 do hoạt động ngoại thương bị “đóng băng”. Dẫu vậy các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang dồn lực tái cơ cấu để sẵn sàng khai thác và tận dụng hiệu quả mọi cơ hội có được trong thời kỳ hậu dịch.

Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA)

Xoay quanh những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp logistics, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết bối cảnh dịch bệnh hoành hành, do nhiều nhà máy phải tạm ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyên ít đi, dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng cũng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải logistics. Bên cạnh đó, tình hình xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… thời gian qua giảm đáng kể do dịch Covid-19 cũng khiến doanh nghiệp logistics bị giảm nguồn thu…

Theo thống kê có khoảng 15- 50% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tùy theo loại hình dịch vụ bị giảm sút về các hoạt động và doanh thu. Dịch vụ vận tải hàng không và đường bộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Khoảng 80% hội viên của Hiệp hội là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cho nên nhiều doanh nghiệp có nguy cơ ngừng mọi hoạt động; nhiều lao động bị giãn và mất việc nếu đại dịch kéo dài thêm”- Chủ tịch VLA bày tỏ lo ngại.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, VLA đã kiến nghị lên Chính phủ một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics. Đầu tiên là kiến nghị về giãn nợ, nộp thuế đã được Chính phủ bước đầu tháo gỡ thông qua Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Ngoài ra các kiến nghị về giảm giá xăng, dầu cũng đã phát huy hiệu quả rất tích cực đối với các doanh nghiệp logistics nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

Mới đây nhất, Cục Hàng hải Việt Nam đã quyết định giảm 10% giá dịch vụ hoa tiêu cho doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian thực hiện giảm giá trong 3 tháng kể từ ngày 1/5/2020. Đây thực sự là một tin vui lớn đối với doanh nghiệp logistics trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Để sẵn sàng cho sự hồi phục, phát triển của hoạt động ngoại thương và ngành logistics thời kỳ hậu dịch, VLA đang chủ động xây dựng kế hoạch hành động của ngành cung cấp dịch vụ logistics, tập trung vào ba vấn đề chính là nguồn tài chính cho kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động cung cấp dịch vụ và ổn định đời sống của người lao động.

Ông Hiệp cho biết nhằm tạo nền tảng cho sự hồi phục của doanh nghiệp, VLA mong muốn Chính phủ chỉ thị cho các bộ, ngành có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, các ngân hàng cần triển khai cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp, đồng thời có hành động giảm hoặc giãn thuế cho doanh nghiệp một cách hiệu quả. Chính phủ cũng cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 50% cho năm 2020, khoản thuế giảm này xem như một phần để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Giảm phí cảng biển, cảng hàng không xuống còn 50%, hoặc miễn phí sử dụng kết cấu công trình cảng biển; giảm 20- 30% phí cầu đường BOT, đường cao tốc cho các xe vận chuyển hàng hóa trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm; giảm 30% phí kiểm định phương tiện vận tải.

Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cần có những biện pháp kiểm soát các hãng tàu container nước ngoài, không ban hành các phụ phí, tăng phụ phí, tăng cước trong thời gian 6 tháng sau dịch bệnh chấm dứt. Kiểm soát chặt chẽ các cảng, không tăng chi phí nâng-hạ container, bốc xếp, lưu kho để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. “Bên cạnh sự trợ lực từ phía các cơ quan chức năng, bản thân các doanh nghiệp logistics cũng nên chú trọng cắt giảm chi tiêu hành chính, tăng cường hợp tác quốc tế, tìm các thị trường mới, hạn chế hoặc không phụ thuộc nhiều vào thị trường, khách hàng truyền thống. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần tận dụng triệt để cơ hội  từ Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) bởi Hiệp định này sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường cũng như ngành logistics Việt Nam” – Chủ tịch VLA khuyến nghị

Thiên Phú