Doanh nghiệp gia đình và công cuộc chuyển giao thế hệ kế nghiệp hết sức mỹ mãn
Hiện nay tại các doanh nghiệp gia đình đang diễn ra làn sóng chuyển giao cho thế hệ kế nghiệp hết sức mạnh mẽ. Đây cũng chính là yêu cầu cấp thiết nhằm duy trì và phát triển mô hình doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam.

Phần lớn thế hệ kế nghiệp đều là những người trẻ tuổi năng động (cuối 7x đến cuối 8x), có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài và được tiếp cận với văn hóa, tư duy phương Tây hiện đại. Chính lợi thế này giúp họ trở nên nhanh nhạy hơn trong nắm bắt các xu hướng trên thế giới cũng như tạo dựng các mối quan hệ với những người cùng tuổi. Nổi bật có thể kể đến trường hợp ông Võ Quốc Lợi, côn trai ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Công ty gạch Đồng Tâm Long An và cựu Chủ tịch Kienlongbank.
Mặc dù không nắm giữ các vị trí chủ chốt trong ngân hàng song ông Lợi vẫn được ông Thắng tin tưởng chọn là người kế nhiệm mình từ nhiều năm trước. Chủ tịch Đồng Tâm Long An còn chủ động đưa con sang Nhật để theo học các chuyên gia về tư duy sáng tạo. Điều quan trọng là thay vì “một bước lên may” như các con ông cháu cha khác, ông Lợi chọn trải qua nhiều vị trí khác nhau tại ngân hàng (từ nhân viên tín dụng, nhân viên kiểm toán nội bộ, nhân viên pháp chế – xử lý nợ cho đến trợ lý tổng giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, giám đốc chi nhánh…) để tích lũy kinh nghiệm.
Tương tự ông Võ Quốc Lợi, ông Trần Hùng Huy (sinh năm 1978) cũng được cha – ông Trần Mộng Hùng chọn là người kế nghiệp tại ACB. Sau sự cố bầu Kiên năm 2012, ông Trần Hùng Huy khi đó mới 34 tuổi được cân nhắc lên vị trí Chủ tịch ACB, trở thành chủ tịch trẻ nhất không chỉ tại ACB mà trong cả ngành ngân hàng. Điều quan trọng là ông Trần Hùng Huy bằng sức trẻ và tài năng của mình đã từng bước đưa ACB lên một tầm cao mới, đúng như nhận xét “trẻ nhưng làm được” của những người trong cuộc
Nếu làn sóng chuyển giao cho thế hệ kế nghiệp diễn ra hết sức mạnh mẽ tại ngành ngân hàng thì các lĩnh vực khác cũng sôi động không kém. Điển hình là trường hợp của “Công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My (sinh năm 1981) – con gái ông Đặng Văn Thành. Đảm nhiệm vị trí CEO tại Thành Thành Công khi tuổi đời còn rất trẻ (28 tuổi), bà My sớm chứng minh năng lực của mình thông qua các thương vụ thâu tóm Công ty Bourbon Tây Ninh hay xúc tiến việc niêm yết cổ phiếu trên sàn Singapore năm 2012.
Bên cạnh nhiệm vụ kế nghiệp, việc tham gia hoạt động kinh doanh tại chính doanh nghiệp của gia đình mình còn cho thấy tham vọng và cá tính riêng của lớp doanh nhân trẻ, luôn phấn đấu hết sức mình để vượt qua “cái bóng” quá lớn của cha mẹ. Và sự thật họ đã làm được khi đưa doanh nghiệp mình ngày càng hưng thịnh, phát triển vượt bậc kể từ khi ngồi vào “ghế nóng”; nổi bật có thể kể đến ông Đỗ Quang Vinh (sinh năm 1989) – con trai Bầu Hiển; bà Trần Phương Ngọc Thảo (sinh năm 1984) – con gái bà Cao Thị Ngọc Dung…
Theo ghi nhận của ông Trần Nam Dũng – Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam, lãnh đạo của Chương trình EY Private Đông Dương, thế hệ doanh nhân trẻ hôm nay rất cầu tiến, dám nghĩ dám làm và không ngừng nỗ lực phấn đấu để biến các mục tiêu kinh doanh thành hiện thực. Phần đông thế hệ doanh nhân này được tiếp cận nền giáo dục phương tây tiên tiến, được trang bị những kiến thức quản trị kinh doanh hiện đại,và thể hiện tư duy đổi mới, linh hoạt. Thay vì loay hoay tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “cái gì”, “như thế nào”, họ tập trung giải quyết câu hỏi “vì sao” và “sự phù hợp, thích ứng” như về môi trường kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và nguồn lực nhân sự.
Cũng theo lãnh đạo EY Private Đông Dương, nếu xét về sự tăng trưởng của các chỉ số tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng hay tỷ suất sinh lời, lớp doanh nhân kế cận đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp ở Việt Nam và toàn cầu. Những thay đổi và thành công của thế hệ lãnh đạo mới cần phải đứng trên khía cạnh và bối cảnh từng doanh nghiệp, không có mô hình chung cho sự chuyển đổi hay thành công của từng loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình.
Linh Lan