Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam lo ngại đại dịch Covid sẽ cản trở dòng vốn đầu tư mới

Đại diện của các công ty nước ngoài đã gặp gỡ lãnh đạo chủ chốt tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã trở thành tâm điểm của đợt bùng phát tồi tệ nhất cả nước. Để đối phó với đợt bùng phát lần này, Chính phủ đã công bố các biện pháp nghiêm ngặt trong thành phố, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23 tháng 8 kéo dài đến ngày 15 tháng 9.

Nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Intel và các công ty nước ngoài khác đang hoạt động tại Việt Nam bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt kéo dài ở TP. Hồ Chí Minh có thể ngăn cản dòng vốn đầu tư.

“Mục đích của cuộc họp là chia sẻ những thách thức mà các công ty sản xuất như Intel phải đối mặt để duy trì hoạt động tại Việt Nam”, bà Hồ Thị Thu Uyên (Giám đốc Đối ngoại của Intel tại Việt Nam và Malaysia) nói với Nikkei Asia hôm 21/8.

Gánh nặng tài chính cho việc thuê nhà ở của nhân viên là một trong những thách thức quan trọng. Chúng tôi không chỉ nêu quan ngại mà còn đưa ra các giải pháp cho lãnh đạo thành phố như những khuyến nghị thiết thực thay vì giữ [các biện pháp hiện có] lâu hơn sau ngày 15 tháng 9“, bà Uyên chia sẻ.

Intel Products Việt Nam vận hành một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp tại Khu Công nghệ cao của thành phố. Intel hiện có 1.870 công nhân lưu trú tại các khách sạn gần nhà máy. Con số đó đã phát sinh 140 tỷ đồng (6,1 triệu USD) tiền thuê chỗ ở trong vòng một tháng kể từ tháng 7. “Nếu chúng tôi tiếp tục điều này sau ngày 15 tháng 9, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Ngân sách cũng như kế hoạch sản xuất”, bà Uyên nói với các quan chức thành phố tại cuộc họp. Bà Uyên kiến nghị thành phố cần linh hoạt để những công nhân đã được tiêm phòng đầy đủ có thể trở về nhà.

Jabil Việt Nam (công ty dịch vụ chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, sản xuất và quản lý sản phẩm cho các công ty điện tử toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ) đã lặp lại những lo ngại của Intel khi cho biết nhiều đối tác kinh doanh đã chuyển đơn đặt hàng sang các nước khác như Trung Quốc và Singapore do chi phí phát sinh từ việc thực hiện các hạn chế nhằm đẩy lùi dịch bệnh của Việt Nam.

Trong khi đó, nhà sản xuất máy tính Datalogic của Ý cho biết công ty đã chứng kiến ​​sự sụt giảm doanh thu trong một tháng từ 18,5 triệu USD trong tháng 6 xuống 11 triệu USD trong tháng 7. Doanh nghiệp này cũng mất khoảng 40% lực lượng lao động với 502 người còn lại vào tháng 8. Nhiều công nhân trình độ cao đã phải vật lộn để tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc phòng dịch.

Ông Furusawa Yasuyuki (Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam) cho biết nhà bán lẻ Nhật Bản gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động tại Việt Nam do chi phí cho việc xét nghiệm COVID-19. Furusawa đề xuất chính quyền thành phố kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thuế giá trị gia tăng và bảo hiểm y tế để doanh nghiệp hỗ trợ người lao động.

Thứ Bảy (22/8), Việt Nam đã ghi nhận 13.417 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, con số này được cho là cao nhất kể từ cuối tháng 4 khi làn sóng dịch bệnh quay trở lại Việt Nam. Riêng thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 4.084 trường hợp trong khi tỉnh Bình Dương phát hiện 6.623 trường hợp.

TP.Hồ Chí Minh mong muốn người lao động và doanh nghiệp được an toàn, nhưng đại dịch do biến thể delta đang lây lan rất nhanh, tác động mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố“, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp với các doanh nghiệp nước ngoài.

Duy Anh