Doanh nghiệp dệt may tích cực vào cuộc phòng chống dịch virut Corona

Bên cạnh tăng gia sản xuất đáp ứng nhu cầu khẩu trang lớn của thị trường, các doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang gấp rút triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm phổi cấp do virut Corona gây ra bởi nếu có công nhân, người lao động bị nhiễm bệnh, toàn bộ nhà máy sẽ bị cách ly, cô lập, có thể sẽ phải ngừng sản xuất…

Nhằm đáp ứng nhu cầu khẩu trang phòng chống dịch bệnh ngày càng cao, mới đây Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tung ra thị trường sản phẩm khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn có thể tái sử dụng trong 30 lần giặt với giá thành chỉ 7.000 đồng/cái, bằng với giá sản xuất. Sản phẩm được bán tại Vinatex 25 Bà Triệu, Vinatex 57B Phan Chu Trinh (Hà Nội) cũng như tại các địa phương nơi các nhà máy của Vinatex đứng chân. Chỉ 1 ngay sau khi ra mắt, sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn của Vinatex đã “cháy” hàng, đơn đặt trước thì quá tải và công ty đang gấp rút sản xuất để nhập thêm hàng về bổ sung.

Trước đây khẩu trang vốn không phải là mặt hàng sản xuất của Vinatex và các đơn vị thành viên song do chỉ đạo của Chính phủ cũng như yêu cầu cấp thiết của thị trường nên các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn đã tổ chức thiết kế, xây dựng quy trình may, cũng như đào tạo công nhân, triển khai quy trình sản xuất, sử dụng một số chuyền may để sản xuất khẩu trang. Do là mặt hàng khá mới mẻ nên những ngày đầu mỗi công nhân chỉ sản xuất trung bình được khoảng 100 sản phẩm/ngày, đến nay đã nâng lên 300 – 400 sản phẩm/ ngày. Dự kiến trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ cung ứng được ra thị trường từ 300.000 – 400.000 sản phẩm/ngày và phục vụ ngay tại địa phương, những nơi mà doanh nghiệp trú đóng. Ngoài ra Vinatex và các doanh nghiệp thành viên cũng sẽ phát miễn phí gần nửa triệu khẩu trang cho các địa phương.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex

Tổng Giám đốc Vinatex – ông Lê Tiến Trường cho biết đối với các doanh nghiệp dệt may, thời gian này đang là cao điểm sản xuất các đơn hàng Hè Thu năm 2020 song với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều doanh nghiệp đã phải sắp xếp lại quy trình sản xuất, dành ưu tiên cho sản xuất mặt hàng khẩu trang phục vụ nhu cầu cấp thiết của cộng đồng.

Cũng theo ông Trường, với khoảng 3 triệu lao động toàn ngành, đồng thời môi trường làm việc tập trung tại các nhà máy, dệt may là một trong những ngành có nguy cơ cao nhất trong những nhóm ngành dễ lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, nhận thức của một số lãnh đạo doanh nghiệp còn chưa thật đầy đủ đối với diễn biến tình hình dịch bệnh để có các biện pháp phòng chống cho người lao động. “Nếu có công nhân, người lao động bị nhiễm bệnh, toàn bộ nhà máy sẽ bị cách ly, cô lập, có thể sẽ phải ngừng sản xuất. Do đó, đây không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ chính trị, mà nó chính là nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh. Lo cho từng cán bộ công nhân viên, người lao động là lo cho nhà máy của mình. Nếu bị dừng sản xuất, chúng ta có khả năng bị khách hàng phạt tiến độ” – ông Trường bày tỏ lo ngại.

Để minh chứng cho mối lo này, Tổng Giám đốc Vinatex lấy ví dụ nếu một xưởng sản xuất có một công nhân mắc bệnh thì chỉ trong vỏn vẹn 2 tuần, toàn ngành dệt may đã phải đối mặt với nguy cơ mất toàn bộ hiệu quả của cả năm 2020. Đó là lý do lãnh đạo Vinatex đề nghị các đơn vị thành viên không nên chủ quan mà cần chú trọng đặc biệt đến công tác phòng ngừa dịch bệnh ngay tại chính doanh nghiệp của mình. ” Dù rằng áp lực không bằng các doanh nghiệp miền Bắc song với các doanh nghiệp lớn trong Tập đoàn (May 10, May Hưng Yên, Hanosimex, Đức Giang…) cũng như các doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam (Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè…), nguy cơ có công nhân – người lao động mắc bệnh không phải là nhỏ” – ông Trường nhận định.

Xuất phát từ nguy cơ và mối quan ngại trên, lãnh đạo Vinatex yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành phải trang bị đầy đủ khẩu trang, dụng cụ vệ sinh cho người lao động tại các khu vực. Siết chặt quản lý về thực phẩm, nhà ăn trong thời kỳ mưa ẩm tại miền Bắc, thực phẩm sau Tết khan hiếm, giá cả leo thang. Đối với hệ thống y tế trực thuộc Tập đoàn và các đơn vị, Bệnh viện dệt may phải chủ trì, cũng như hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống của Tập đoàn các công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu vực, có biện pháp đo, kiểm tra thân nhiệt đầu giờ làm việc, nhất là đối với các doanh nghiệp may, tránh tình trạng công nhân đã “ủ bệnh” tới làm việc. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp về các dụng cụ, thiết bị y tế khi gặp phải tình trạng khan hiếm, khó khăn ngoài thị trường, không được để cho công nhân thiếu nước rửa tay, khẩu trang, trước hết là các đơn vị phía Bắc.

Xuân Thịnh