Doanh nghiệp cần chủ động sử dụng “vũ khí” phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cùng với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cũng khiến cạnh tranh gia tăng, tạo nên những thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong công tác phòng vệ thương mại (PVTM). Tình hình này đòi hỏi các doanh nghiệp không được chủ quan, lơ là mà cần đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc PVTM, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), nền kinh tế Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu hơn vào trao đổi thương mại toàn cầu, thực thi nhiều cam kết trong các FTA. Có thể thấy điểm chung của các FTA truyền thống cũng như các FTA thế hệ mới mà Việt Nam vừa tham gia ký kết chính là các điều khoản về PVTM. “Hầu hết các FTA đều có mục tiêu xóa bỏ các rào cản thương mại, các thành viên tham gia đều có kỳ vọng không áp dụng các biện pháp PVTM trong thành viên nội khối. Tuy nhiên, quá trình thực thi các FTA, cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể chủ quan trước các quy định về PVTM. Do đó tác động của các quy định về PVTM đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chúng ta phải hiểu trên 2 khía cạnh tích cực và tiêu cực” – ông Văn khuyến nghị.
Về tác động tích cực của các quy định PVTM đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Pháp luật và phát triển nguồn nhân lực cho biết trong điều kiện ký kết các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới có mức độ cam kết rất sâu rộng, Việt Nam cam kết xóa bỏ tới 80% đến hơn 90% các dòng thuế, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam dễ dàng hơn. Trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo của Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn nội tại, nhất là về năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh yếu…. Trong bối cảnh đó, để hạn chế những thiệt hại cũng như đe dọa gây thiệt hại đối với ngành sản xuất, chế tạo trong nước, việc quy định và thực thi về các biện pháp PVTM trong các FTA sẽ là cơ sở để Việt Nam điều tra, áp dụng các biện pháp phù hợp; góp phần khuyến khích sản xuất trong nước, cân bằng cán cân thanh toán. Ngoài ra việc quy định về PVTM trong các FTA cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tính chủ động trong rà soát thị trường, rà soát lại giá bán sản phẩm cũng như đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”; đồng thời có chiến lược chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng thương hiệu, chất lượng.
Còn về tác động tiêu cực, có thể thấy việc quy định về PVTM trong các FTA gây ra những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp; đơn cử doanh nghiệp có thể bị điều tra về bán phá giá, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Cụ thể việc ký kết các FTA với các quy định về PVTM trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu thông tin, chưa nắm rõ, chưa tìm hiểu kỹ lưỡng dễ dẫn đến hậu quả doanh nghiệp chưa chủ động được các biện pháp PVTM để bảo vệ mình, cũng như chưa kịp thời kiến nghị các cơ quan Nhà nước thực hiện các biện pháp PVTM. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước, thậm chí một số doanh nghiệp còn bị mất thị phần; đi kèm đó là nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp xuất hiện, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trước tình hình các vụ kiện về PVTM của nước ngoài có xu hướng gia tăng, để đối phó với sự kiện pháp lý về PVTM, phòng ngừa các rủi ro pháp lý liên quan đến vấn đề khởi kiện, điều tra về PVTM, ông Lê Anh Văn khuyến nghị các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu cần chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, các quy định về PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia; đồng thời tìm hiểu thực tiễn điều tra PVTM của những nước mà doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần chú trọng xây dựng bộ phận pháp chế, nâng cao hệ thống quản trị tiên tiến, lưu trữ hồ sơ chứng từ rõ ràng để có thể chứng minh, trả lời các bảng câu hỏi trong trường hợp doanh nghiệp của mình là bị đơn trong các vụ kiện PVTM; theo dõi sát các lập luận của nguyên đơn, chứng minh các số liệu mà cơ quan điều tra sử dụng chưa chính xác. Điều đặc biệt quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động sử dụng “vũ khí” PVTM để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, ông Văn cho rằng các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức đại diện doanh nghiệp cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực PVTM. Theo đó các hiệp hội cần chủ động khuyến cáo các thông tin về thị trường xuất khẩu cho hội viên, doanh nghiệp để đánh giá nguy cơ nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp PVTM; thông báo kịp thời các thông tin liên quan đến nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM cho doanh nghiệp hội viên biết. Ngoài ra, các hiệp hội cần xem xét cử đại diện có tiếng nói, kiến nghị, tham gia bên liên quan trong các vụ việc điều tra về PVTM; tăng cường hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho hội viên về các quy định về PVTM theo pháp luật Việt Nam và các quy định về PVTM trong các FTA; cũng như thành lập các tổ chức trung gian để thực hiện tư vấn pháp lý, hỗ trợ hội viên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các sự kiện pháp lý về PVTM.
Bảo Ngọc